Đóng quỹ phòng, chống thiên tai là bắt buộc hay tự nguyện?
Theo quy định tại Luật phòng, chống thiên tai năm 2013 thì quỹ phòng, chống thiên tai là quỹ được thành lập ở cấp tỉnh, do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý. Quỹ phòng, chống thiên tai không bao gồm ngân sách nhà nước và không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.
Quỹ phòng, chống thiên tai được sử dụng để hỗ trợ hoạt động phòng, chống thiên tai và ưu tiên hỗ trợ cho các hoạt động sau đây: Cứu trợ khẩn cấp về lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh và các nhu cầu cấp thiết khác cho đối tượng bị thiệt hại do thiên tai; hỗ trợ tu sửa nhà ở, cơ sở y tế, trường học; và xử lý vệ sinh môi trường vùng thiên tai.
Theo quy định tại Nghị định 94/2014/NĐ-CP thì các tổ chức kinh tế hạch toán độc lập, công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi đến hết tuổi lao động có nghĩa vụ đóng quỹ phòng, chống thiên tai, cụ thể như sau:
- Các tổ chức kinh tế hạch toán độc lập: Mức đóng góp bắt buộc một năm là hai phần vạn trên tổng giá trị tài sản hiện có tại Việt Nam theo báo cáo tài chính hàng năm nhưng tối thiểu 500 nghìn đồng, tối đa 100 triệu đồng và được hạch toán vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức, lực lượng vũ trang hưởng lương, cán bộ quản lý trong các doanh nghiệp nhà nước đóng 1 ngày lương/người/năm theo mức lương cơ bản sau khi trừ các khoản thuế, bảo hiểm phải nộp;
- Người lao động trong các doanh nghiệp đóng 1 ngày lương/người/năm theo mức lương tối thiểu vùng;
- Người lao động khác, trừ các đối tượng đã được quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản này, đóng 15.000 đồng/người/năm.
Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì người lao động làm việc tài các doanh nghiệp có nghĩa vụ đóng tiền vào quỹ phòng, chống thiên tai hằng năm với mức đóng 1 ngày lương/người/năm theo mức lương tối thiểu vùng. Trong đó, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp như sau:
- Mức 4.180.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I;
- Mức 3.710.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II;
- Mức 3.250.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III;
- Mức 2.920.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.
(Xem chi tiết thông tin về các địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng trên đây tại Nghị định 157/2018/NĐ-CP)
Do đó: Có thể kết luận việc đóng quỹ phòng, chống thiên tai là quy định bắt buộc chứ không phải dựa trên tinh thần tự nguyện của người lao động.
Trường hợp công ty bạn tổ chức trích từ tiền lương của những người lao động làm việc có hưởng lương trong công ty để đóng vào quỹ phòng, chống thiên tai là phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, công ty chỉ được trích từ tiền lương của người lao động mức tiền bằng 1 ngày lương/người/năm theo mức lương tối thiểu vùng kể trên để đóng quỹ phòng, chống thiên tai.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật