Việc xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật phải tuân theo những nguyên tắc gì?
Tủ sách pháp luật là nơi lưu giữ, quản lý sách, báo, tài liệu pháp luật để phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tìm hiểu chính sách, pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, tiếp cận thông tin pháp luật, hòa giải ở cơ sở của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Theo đó, tại Điều 3 Quyết định 14/2019/QĐ-TTg về xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật do Thủ tướng Chính phủ ban hành (có hiệu lực từ 01/05/2019) thì việc xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật phải tuân theo những nguyên tắc sau đây:
- Xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật phải phù hợp với yêu cầu của từng địa bàn, cơ quan, đơn vị và nhu cầu khai thác sách, tài liệu pháp luật của người sử dụng.
- Xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật điện tử quốc gia phải gắn với mục tiêu, lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử; bảo đảm duy trì, khai thác sách, tài liệu pháp luật tập trung, liên tục, lâu dài; khai thác, sử dụng tối đa hạ tầng công nghệ thông tin hiện có; liên kết, trích xuất với các cơ sở dữ liệu về pháp luật, thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật.
- Củng cố, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Tủ sách pháp luật tại xã đặc biệt khó khăn để phục vụ rộng rãi nhu cầu tra cứu, khai thác thông tin, sách, tài liệu pháp luật tại cơ sở; thống nhất quản lý, khai thác sách, tài liệu của Tủ sách pháp luật và sách, tài liệu pháp luật của Thư viện xã, điểm Bưu điện - Văn hóa xã, Trung tâm học tập cộng đồng hiện có trên địa bàn.
- Nhà nước ưu tiên cấp phát, trang bị sách, tài liệu pháp luật cho Tủ sách pháp luật tại xã đặc biệt khó khăn nhằm bảo đảm thực hiện quyền của công dân trong tiếp cận thông tin pháp luật.
Trên đây là nội dung giải đáp về nguyên tắc xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật