Bố mất, em gái chiếm dụng sổ đỏ
Thứ nhất, vì ba mẹ bạn khi còn sống đã chia đất cho con cháu nhưng chỉ nói miệng, không lập thành văn bản, vậy không đảm bảo về mặt hình thức theo yêu cầu của pháp luật. Thêm vào đó, đến thời điểm hiện tại, quyền sử dụng đất bạn được tặng cho vẫn chưa được sang tên cho bạn. Vì thế, việc tặng cho này không hợp pháp (Điều 467 Bộ luật Dân sự năm 2005)
Thứ hai, khi bố mẹ bạn mất, căn cứ Điều 634 BLDS 2005 và mục 1 phần 2 Nghị quyết 02/2004/NĐ-HĐTP quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất là di sản của bố mẹ bạn. Do đó, em gái bạn tự ý lấy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để bán là không đúng theo quy định của pháp luật. Bởi lẽ, khi bố mẹ bạn mất không để lại di chúc nên di sản sẽ được thừa kế theo pháp luật (Điều 674 BLDS 2005). Theo đó, những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết sẽ được hưởng những phần di sản bằng nhau (Điều 676 BLDS 2005). Vậy, di sản của bố bạn sẽ được chia đều cho những người đồng thừa kế thuộc hàng thứ nhất. Điều này đồng nghĩa em gái bạn không có toàn quyền quyết định trong khối di sản như hiện tại đã làm.
Bây giờ chưa hết thời hiệu khởi kiện tại Tòa án (10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế) nên bạn có thể nộp đơn yêu cầu UBND cấp xã hòa giải (202 Luật Đất đai năm 2013). Trường hợp quá 45 ngày kể từ ngày nộp đơn, UBND cấp xã không thực hiện trách nhiệm hòa giải của mình, bạn thực hiện khiếu nại về việc không tiến hành hòa giải theo luật định đến UBND cấp xã (Điều 7 Luật Khiếu nại năm 2011).
Với tình hình hiện tại, bạn có thể giải thích với em gái để đạt được thỏa thuận mình muốn. Sau đó khai nhận thừa kế và thực hiện sang tên trên Giấy chứng nhận. Trường hợp em gái vẫn không hợp tác, bắt buộc bạn phải thực hiện khởi kiện để bảo vệ quyền lợi cho mình. Bởi Bản án/Quyết định có hiệu lực của Tòa án là một trong những căn cứ pháp lý khẳng định quyền sở hữu và để bạn có thể thực hiện làm Gấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Thư Viện Pháp Luật