Cá Sú Mì có được xuất khẩu không?
Ngày 29/10/2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hàng Thông tư 15/2018/TT-BNNPTNT về bảng mã số HS đối với Danh mục hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Theo quy định tại Thông tư này thì mặt hàng cá Sú Mì - hay cá Bàng chài vân sóng, Hoàng đế (có tên quốc tế là Cheilinus undulatus) không thuộc danh mục các loài thủy sản cấm xuất khẩu. Đồng nghĩa, loại cá này được phép xuất khẩu từ thị trường Việt Nam ra thị trường nước ngoài.
Mặt khác, theo quy định tại Nghị định 69/2018/NĐ-CP thì thương nhân Việt Nam không là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu và thực hiện các hoạt động khác có liên quan không phụ thuộc vào ngành, nghề đăng ký kinh doanh, trừ hàng hóa thuộc Danh mục cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu theo quy định tại Nghị định này; hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu khác theo quy định của pháp luật; hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu. Chi nhánh của thương nhân Việt Nam được thực hiện hoạt động ngoại thương theo ủy quyền của thương nhân.
Do đó: Các thương nhân Việt Nam thuộc trường hợp được quy định trên đây được thực hiện xuất khẩu cá Sú Mì theo quy định của pháp luật.
Mà theo quy định tại Thông tư 04/2017/TT-BNNPTNT thì cá Sú Mì thuộc Danh mục loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.
Do đó: Các tổ chức, cá nhân chỉ được xuất khẩu cá Sú Mì khi đã có Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật xuất khẩu do Cục Thú y cấp (trong một số trường hợp cần thiết thì cần phải có Giấy phép của Cites) trước khi làm thủ tục xuất khẩu.
Việc cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật xuất khẩu trong trường hợp này thực hiện theo quy định tại Thông tư 26/2016/TT-BNNPTNT và các văn bản liên quan.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật