Tiền mang trong người nhưng không dùng cho việc đánh bạc có được trả lại không?
Tại Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng quy định tại điều 248 và 249 của Bộ luật hình sự do Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành, có quy định:
- “Đánh bạc trái phép” là hành vi đánh bạc được thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào với mục đích được thua bằng tiền hay hiện vật mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng thực hiện không đúng với quy định trong giấy phép được cấp.
Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc bao gồm:
- Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc thu giữ được trực tiếp tại chiếu bạc;
- Tiền hoặc hiện vật thu giữ được trong người các con bạc mà có căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc;
- Tiền hoặc hiện vật thu giữ ở những nơi khác mà có đủ căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc.
Như vậy, ngoài tiền và hiện vật sử dụng để chơi bạc (được trực tiếp tại chiếu bạc), những tài sản trên người gồm cả tiền và hiện vật bị cơ quan chức năng thu giữ mà có căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc thì cũng sẽ được xác định là tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc. Nếu tổng số tiền thu được trực tiếp tại chiếu bạc cùng với số tiền, hiện vật thu giữ trên người (và chứng minh được là sẽ sử dụng để đánh bạc) đủ mức thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Đánh bạc theo quy định tại Điều 321 Bộ luật hình sự 2015, được sửa đổi bởi Khoản 120 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017; số tiền, hiện vật này sẽ bị tịch thu sung quỹ Nhà nước. Nếu tiền hoặc hiện vật bị thu giữ trên người, nhưng người tham gia đánh bạc chứng minh được không sử dụng để đánh bạc thì sẽ được trả lại.
Ban biên tập phản hồi thông tin đến bạn.
Thư Viện Pháp Luật