Giới hạn trách nhiệm của thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics khi các bên không có thỏa thuận là bao nhiêu?
Dịch vụ logistics được hiểu là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hoá theo thoả thuận với khách hàng để hưởng thù lao. Dịch vụ logistics được phiên âm theo tiếng Việt là dịch vụ lô-gi-stíc.
Theo đó, tại Khoản 3 Điều 5 Nghị định 163/2017/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ logistics có quy định về giới hạn trách nhiệm của thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics khi các bên không có thỏa thuận như sau:
Trường hợp pháp luật liên quan không quy định giới hạn trách nhiệm thì giới hạn trách nhiệm của thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics do các bên thoả thuận. Trường hợp các bên không có thoả thuận thì thực hiện như sau:
+ Trường hợp khách hàng không có thông báo trước về trị giá của hàng hóa thì giới hạn trách nhiệm tối đa là 500 triệu đồng đối với mỗi yêu cầu bồi thường.
+ Trường hợp khách hàng đã thông báo trước về trị giá của hàng hóa và được thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics xác nhận thì giới hạn trách nhiệm sẽ không vượt quá trị giá của hàng hóa đó.
Trên đây là nội dung giải đáp về giới hạn trách nhiệm của thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics khi các bên không có thỏa thuận.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật