Nhân viên nghỉ ốm đau có bị trừ ngày nghỉ phép năm?
Theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm đối với người lao động tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần và được quy định như sau:
- Làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng 30 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên;
- Làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì được hưởng 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.
Như vậy: Trường hợp bạn đóng đủ bảo hiểm xã hội hơn 20 năm thì thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm là 40 ngày nếu bạn làm việc trong điều kiện làm việc bình thường (trừ trường hợp bạn làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì được hưởng 50 ngày).
Theo quy định tại Điều 3 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH thì người lao động được giải quyết hưởng chế độ ốm đau khi bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động hoặc điều trị thương tật, bệnh tật tái phát do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.
Do đó: Trường hợp bạn bị ốm phải vào viện điều trị trong thời gian hơn 01 tháng và được cơ quan bảo hiểm xã hội giải quyết cho hưởng chế độ ốm đau đối với thời gian này là phù hợp với quy định của pháp luật.
Mặt khác, theo quy định tại Bộ luật lao động 2012 thì người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:
- 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
- 14 ngày làm việc đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có có điều kiện sinh sống khắc nghiệthoặc lao động chưa thành niên hoặc lao động là người khuyết tật;
- 16 ngày làm việc đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có điều kiện sinh sống đặc biệt khắc nghiệt.
Sau đó, cứ mỗi năm làm việc cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm của người lao động được tăng thêm tương ứng 01 ngày.
Và theo quy định tại Điều 6 Nghị định 45/2013/NĐ-CP thì thời gian người lao động nghỉ ốm đau nhưng cộng dồn không quá 02 tháng trong một năm thì vẫn được coi là thời gian làm việc của người lao động để tính số ngày nghỉ hằng năm cho người lao động.
Do đó: Trường hợp bạn nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau chỉ hơn 01 tháng trong lần này, và cộng dồn các lần khác không vượt quá 02 tháng trong một năm thì thời gian này bạn vẫn được xem là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ phép năm.
Việc công ty lấy lý do trong năm có 1 tháng bạn không đi làm do nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau nên bị trừ 01 ngày phép năm là không phù hợp với quy định của pháp luật.
Bạn có thể khiếu nại đến Ban giám đốc công ty để được giải quyết. Trường hợp không được giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng thì bạn có thể khiếu nại đến Chánh thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi công ty đặt trụ sở chính hoặc khởi kiện ra Tòa án nhân dân để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật