Siết nợ có vi phạm pháp luật không?
Theo quy định tại Điều 466 Bộ luật dân sự 2015 thì:
1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.
3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
4. Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:
a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;
b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Như vậy, nếu có người nợ tiền nhưng đến hạn mà không trả, bạn có thể khởi kiện tại tòa án nơi người đó cư trú để yêu cầu cơ quan xét xử bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Theo Điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì tranh chấp về hợp đồng dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Theo Điều 186 Bộ luật tố tụng dân sự quy định về quyền khởi kiện vụ án quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Việc bạn siết nợ miếng đất thì tùy hành vi mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nếu hành vi lấy tài sản diễn ra trước mặt chủ sở hữu tài sản và không có sự đe dọa, uy hiếp, dùng vũ lực cũng như không có sự phản kháng của chủ sở hữu tài sản mà tài sản có giá trị từ hai triệu đồng trở lên hoặc người thực hiện hành vi đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì người vi phạm sẽ phải chịu truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 172 Bộ luật Hình sự 2015.
Nếu hành vi lấy tài sản có kèm theo hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác uy hiếp nhằm chiếm đoạt tài sản thì người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cưỡng đoạt tài sản được quy định tại điều 170 Bộ luật Hình sự 2015.
Nếu hành vi lấy tài sản có bao gồm hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác khiến người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được thì người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cướp tài sản quy định tại điều 168 Bộ luật Hình sự 2015.
Do đó, để bảo đảm cho số tiền cho vay, bạn nên nộp đơn khởi kiện tại Tòa án để bảo về quyền và lợi ích hợp pháp của mình thay vì siết nợ miếng đất của bên vay.
Ban biên tập thông tin đến bạn!
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật