Thuận tình ly hôn thì Tòa án ra Quyết định hay là Bản án?
Tại Điều 397 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 có quy định khi hai bên thực sự tự nguyện ly hôn; Hai bên đã thỏa thuận được với nhau về việc chia hoặc không chia tài sản chung, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con; Sự thỏa thuận phải bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ, con. Thì lúc này Thẩm phán người giải quyết sẽ ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn.
Đối với bản án ly hôn được ban hành khi:
Ly hôn đơn phương là chỉ có một bên vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn, bên còn lại không đồng ý ly hôn. Cũng giống như trường hợp ly hôn thuận tình, thủ tục hòa giải là cần thiết, tuy nhiên thủ tục hòa giải trong vụ án ly hôn đơn phương không buộc các bên phải tham gia.
Theo quy định và thủ tục chung, khi giải quyết một vụ án ly hôn đơn phương, Tòa án vẫn sẽ triệu tập các bên tham gia buổi hòa giải. Thông thường sẽ có tối đa là 3 lần hòa giải trước khi Tòa án đưa vụ án ra xét xử, trừ một số trường hợp không tiến hành hòa giải được quy định tại Điều 207 Bộ luật tố tụng Dân sự 2015.
Khi đã hoàn tất các thủ tục cần thiết thì Tòa ra Quyết định đưa vụ án ra xét xử. Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày có Quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa. Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án có thể bị hoãn và thời hạn hoãn là không quá 1 tháng. Sau khi xét xử vụ án, Tòa án sẽ ban hành Bản án để giải quyết vụ án. Sau 15 ngày kể từ tuyên án, nếu bản án không bị kháng cáo, kháng nghị thì bản án sẽ có hiệu lực thi hành.
=> Như vậy, thuận tình ly hôn thì ra Quyết định công nhận thuận tình ly hôn, còn Bản án ly hôn thì được ban hành khi vấn đề ly hôn phải đưa ra xét xử tại phiên Tòa.
Tham khảo thêm:
Ly hôn khi là đảng viên dự bị có ảnh hưởng gì đến việc vào đảng chính thức?
Vợ đi xuất khẩu lao động không về thì ly hôn như thế nào?
Trên đây là nội dung tư vấn.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật