Công ty trả cổ tức bằng cổ phần thì thực hiện như thế nào cho đúng?
Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014 thì cổ tức là khoản lợi nhuận ròng được trả cho mỗi cổ phần bằng tiền mặt hoặc bằng tài sản khác từ nguồn lợi nhuận còn lại của công ty cổ phần sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài chính.
Trong đó, cổ tức trả cho cổ phần ưu đãi được thực hiện theo các điều kiện áp dụng riêng cho mỗi loại cổ phần ưu đãi. Còn cổ tức trả cho cổ phần phổ thông được xác định căn cứ vào số lợi nhuận ròng đã thực hiện và khoản chi trả cổ tức được trích từ nguồn lợi nhuận giữ lại của công ty. Công ty cổ phần chỉ được trả cổ tức của cổ phần phổ thông khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Công ty đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật;
- Đã trích lập các quỹ công ty và bù đắp đủ lỗ trước đó theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty;
- Ngay sau khi trả hết số cổ tức đã định, công ty vẫn bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn.
Theo quy định tại Điều 132 Luật Doanh nghiệp 2014 thì cổ tức có thể được chi trả bằng một trong các hình thức sau đây:
(1) Bằng tiền mặt;
(2) Bằng cổ phần của công ty;
(3) Bằng tài sản khác quy định tại Điều lệ công ty.
Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì trường hợp công ty cổ phần thực hiện chi trả cổ tức cho cổ đông công ty thì có thể dùng cổ phần để chi trả.
Tại Khoản 6 Điều 132 Luật Doanh nghiệp 2014 có quy định:
"Điều 132. Trả cổ tức
6. Trường hợp chi trả cổ tức bằng cổ phần, công ty không phải làm thủ tục chào bán cổ phần theo quy định tại các điều 122, 123 và 124 của Luật này. Công ty phải đăng ký tăng vốn điều lệ tương ứng với tổng giá trị mệnh giá các cổ phần dùng để chi trả cổ tức trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hoàn thành việc thanh toán cổ tức."
Như vậy: Trường hợp công ty cổ phần thực hiện chi trả cổ tức bằng cổ phần thì công ty không phải làm thủ tục chào bán cổ phần, nhưng phải đăng ký tăng vốn điều lệ tương ứng với tổng giá trị mệnh giá các cổ phần dùng để chi trả cổ tức.
Thủ tục đăng ký tăng vốn điều lệ thực hiện như sau:
- Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành việc tăng vốn điều lệ, công ty phải thông báo bằng văn bản đến Cơ quan đăng ký kinh doanh nơi đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Hồ sơ gồm:
+ Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.
+ Quyết định và bản sao hợp lệ biên bản họp của Đại hội đồng cổ đông.
- Sau khi nhận thông báo, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Doanh nghiệp căn cứ quy định trên đây để thực hiện.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật