Xuất hóa đơn GTGT sau thời điểm bán hàng có được không?
Theo quy định tại Nghị định 51/2010/NĐ-CP thì hóa đơn là chứng từ do người bán lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo quy định của pháp luật. Hóa đơn hiện nay bao gồm hóa đơn giá trị gia tăng, hóa đơn bán hàng, hóa đơn khác, và phiếu thu tiền cước vận chuyển hàng không; chứng từ thu cước phí vận tải quốc tế; chứng từ thu phí dịch vụ ngân hàng…, hình thức và nội dung được lập theo thông lệ quốc tế và các quy định của pháp luật có liên quan.
Trong đó, hóa đơn giá trị gia tăng là loại hóa đơn dành cho các tổ chức khai, tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ trong các hoạt động sau:
+ Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trong nội địa;
+ Hoạt động vận tải quốc tế;
+ Xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu;
Tại Điểm a Khoản 2 Điều 16 Thông tư 39/2014/TT-BTC có quy định:
"Điều 16. Lập hóa đơn
2. Cách lập một số tiêu thức cụ thể trên hóa đơn
a) Tiêu thức “Ngày tháng năm” lập hóa đơn
Ngày lập hóa đơn đối với bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền..."
Như vậy: Căn cứ quy định được trích dân trên đây thì trong hoạt động mua bán hàng hóa, bên bán có nghĩa vụ lập hóa đơn (hóa đơn bán hàng hoặc hóa đơn giá trị gia tăng tùy trường hợp) tại thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền từ người mua.
Mà theo quy định tại Luật Thương mại 2005 thì trong trường hợp mua bán hàng hóa thương mại, quyền sở hữu được chuyển từ bên bán sang bên mua kể từ thời điểm hàng hóa được chuyển giao, trừ trường hợp hợp pháp luật có quy định khác hoặc các bên có thỏa thuận khác.
Tại Điểm a Khoản 3 Điều 38 Nghị định 109/2013/NĐ-CP có quy định:
"Điều 38. Hành vi vi phạm quy định về sử dụng hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ
3. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:
a) Lập hóa đơn không đúng thời điểm theo quy định của pháp luật về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ;"
Như vậy: Trường hợp bên bán hàng hóa, dịch vụ lập hóa đơn không đúng thời điểm theo quy định của pháp luật về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thì bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.
Do đó: Trường hợp công ty đã chuyển giao hàng hóa (đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa) cho bên công ty đối tác thì công ty có trách nhiệm lập hóa đơn giá trị gia tăng đối với số lượng hàng hóa đó tại thời điểm chuyển giao (quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng).
Nhưng theo thông tin mà công ty đã cung cấp cho chúng tôi thì công ty đã chuyển giao hàng hóa cho bên công ty đối tác nhưng chưa lập hóa đơn giá trị gia tăng vì đối tác chưa thanh toán tiền hàng, mà có dự định đợi bên phía công ty đối tác thanh toán tiền hàng thì công ty mới lập và xuất hóa đơn giá trị gia tăng là không phù hợp với quy định của pháp luật. Công ty có thể bị phạt hành chính với mức tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng (mức trung bình là 6.000.000 đồng).
Trong trường hợp này, để vẹn đôi đường thì công ty có thể tiến hành lập hóa đơn giá trị gia tăng đối với số lượng hàng hóa mà công ty đã xuất bán cho bên phía công ty đối tác nhưng có thể thỏa thuận với bên công ty đối tác về việc giữ lại liên hóa đơn cho đến khi công ty đối tác thanh toán đầy đủ số tiền hàng theo thỏa thuận.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật