Có được rút hồ sơ sau khi bị kỷ luật buộc thôi học?
Theo quy định tại Quyết định 25/2006/QĐ-BGDĐT thì sinh viên bị buộc thôi học nếu rơi vào một trong các trường hợp sau:
(1) Có điểm trung bình chung học tập của năm học dưới 3,50;
(2) Có điểm trung bình chung tất cả các học phần tính từ đầu khóa học dưới 4,00 sau hai năm học; dưới 4,50 sau 3 năm học và dưới 4,80 sau từ 4 năm học trở lên;
(3) Đã hết thời gian tối đa được phép học tại trường theo quy định;
(4) Bị kỷ luật lần thứ hai vì lý do đi thi hộ hoặc nhờ người thi hộ theo quy định;
Chậm nhất là 01 tháng sau khi sinh viên có quyết định buộc thôi học, trường phải thông báo trả về địa phương nơi sinh viên có hộ khẩu thường trú.
Sau khi có quyết định buộc thôi học, sinh viên có nhu cầu rút hồ sơ đã nộp cho nhà trường khi làm thủ tục nhập học thì thực hiện như sau:
- Viết đơn xin rút hồ sơ đã nộp khi nhập học (có ý kiến xác nhận của Ban chủ nhiệm Khoa).
- Trả lại tài liệu cho nhà trường, thanh toán nợ học phí hoặc nhận lại học phí đã đóng cho kỳ sau (nếu có);
- Nộp lại thẻ sinh viên;
- Sau khi sinh viên bị buộc thôi học thực hiện xong các thủ tục kể trên thì nhà trường có trách nhiệm ký quyết định thôi học cho sinh viên. Sau khi đã có quyết định thôi học tại trường sinh viên được phép rút hồ sơ và nhà trường không còn quyền giữ hồ sơ của sinh viên.
Khi đó, sinh viên rút hồ sơ đã nộp khi nhập học, nhận bảng điểm và quyết định thôi học tại Phòng công tác sinh viên của nhà trường.
(Trên đây là thủ tục tham khảo, thủ tục cụ thể thực hiện theo quy định của pháp luật và quy chế của nhà trường mà sinh viên đang theo học)
Do đó: Trường hợp bạn bỏ học 03 học kỳ ở trường và thuộc các trường hợp buộc thôi học kể trên thì nhà trường có quyền xử lý kỷ luật buộc bạn thôi học và gửi quyết định buộc thôi học về cho gia đình, địa phương nơi bạn đang đăng ký thường trú.
Trường hợp bạn muốn rút hồ sơ thì bạn cần liên hệ với nhà trường nơi bạn theo học để được giải quyết theo thẩm quyền. Thủ tục rút hồ sơ thực hiện theo quy định trên và theo quy chế riêng của nhà trường.
Trên đây là quan điểm của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật