Tổng hợp, phân tích các tài liệu thu thập, điều tra phục vụ xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa
Tổng hợp, phân tích các tài liệu thu thập, điều tra phục vụ xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa được quy định tại Điều 31 Thông tư 65/2017/TT-BTNMT về quy định kỹ thuật xác định dòng chảy tối thiểu trên sông, suối và xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành, theo đó:
1. Tổng hợp, phân tích hiện trạng vận hành hồ chứa:
a) Trong trường hợp xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa lần đầu: lập danh mục các hồ chứa; danh mục số liệu vận hành các hồ chứa; sơ bộ phân tích chế độ vận hành của hồ chứa, gồm: chế độ phát điện, cấp nước nông nghiệp, sinh hoạt,...; sơ bộ đánh giá khả năng đáp ứng nhiệm vụ theo thiết kế của hồ chứa và các nhiệm vụ khác phát sinh trong quá trình vận hành;
b) Trường hợp rà soát, điều chỉnh không bổ sung hồ và có bổ sung hồ, tổng hợp, phân tích hiện trạng vận hành hồ chứa theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này. Ngoài ra, còn sơ bộ đánh giá khả năng đáp ứng nhiệm vụ phòng chống lũ và cấp nước hạ du theo quy trình vận hành liên hồ chứa đã ban hành; phân tích tình hình vận hành thực tế của các hồ trong quy trình từ khi ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa (trong cả mùa lũ và mùa cạn); đánh giá tình hình phối hợp vận hành của các hồ trên lưu vực theo quy định trong quy trình vận hành liên hồ chứa (trong cả mùa lũ và mùa cạn); phân tích, đánh giá sự phù hợp của việc vận hành các hồ chứa theo dấu hiệu mực nước tại các trạm quan trắc vận hành (trong cả mùa lũ và mùa cạn); đánh giá khả năng tích nước cuối mùa lũ của các hồ trong các năm từ khi ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa; phân tích, đánh giá sự phù hợp của việc quy định các hồ vận hành xả nước trong từng giai đoạn sử dụng nước với yêu cầu ở hạ du và dòng chảy đến hồ.
2. Tổng hợp, phân tích hiện trạng các công trình khai thác, sử dụng:
a) Lập danh mục các công trình khai thác, sử dụng: tên công trình, vị trí, tọa độ; cơ quan quản lý; đơn vị vận hành; loại hình quản lý; loại hình công trình; tên nguồn nước khai thác, lưu vực sông; lưu lượng khai thác; chế độ khai thác; phương thức khai thác; mục đích sử dụng; thời kỳ sử dụng nước; phạm vi cấp nước; nhiệm vụ và quy mô công trình; tiêu chuẩn cấp nước;
b) Sơ bộ xác định hiện trạng sử dụng nước theo từng thời kỳ sử dụng nước.
3. Tổng hợp các yêu cầu về phòng, chống lũ và khai thác, sử dụng nước của địa phương.
4. Tổng hợp, phân tích, đánh giá hiện trạng các trạm khí tượng, thủy văn, tài nguyên nước và trạm quan trắc vận hành hồ
a) Trường hợp xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa lần đầu: lập danh mục các trạm; danh mục số liệu vận hành các trạm; phân tích, đánh giá hiện trạng chế độ quan trắc, số liệu quan trắc của các trạm thủy văn, tài nguyên nước, trạm quan trắc vận hành; lựa chọn các trạm khí tượng, thủy văn, tài nguyên nước để phục vụ tính toán nguồn nước và trạm quan trắc vận hành hồ phục vụ vận hành quy trình và chuẩn bị lấy ý kiến của địa phương;
b) Trường hợp rà soát, điều chỉnh không bổ sung hồ, có bổ sung hồ, thực hiện theo quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều này và tiến hành phân tích, đánh giá diễn biến dòng chảy, tình hình lũ lụt trên lưu vực sông từ khi ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa; phân tích, đánh giá diễn biến dòng chảy, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn trên lưu vực sông từ khi ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa.
5. Xác định các yêu cầu về số liệu phục vụ tính toán các phương án vận hành liên hồ chứa:
a) Chỉ ra các số liệu cần phải cập nhật, bổ sung để hoàn nguyên, kéo dài số liệu mực nước, lưu lượng (Q, H);
b) Chỉ ra các phương án để đồng bộ dữ liệu phục vụ tính toán, kéo dài số liệu, hoàn nguyên số liệu mực nước, lưu lượng (Q, H);
c) Sơ bộ xác định các yêu cầu về tính toán nhu cầu sử dụng nước tại các trạm quan trắc vận hành theo từng thời kỳ, dung tích hữu ích của từng hồ, lượng nước phát sinh trên lưu vực trong mùa cạn, tính toán yêu cầu mực nước của từng hồ theo thời đoạn 10 ngày nhằm xác định được mực nước yêu cầu của từng hồ ở thời điểm đầu mùa cạn, từng thời điểm trong mùa cạn, xảy ra 2 trường hợp: trường hợp khả năng nguồn nước và khả năng các hồ thỏa mãn được nhu cầu sử dụng nước của vùng hạ du trong suốt mùa cạn thì cần thiết tính toán, xác định mực nước tối thiểu của từng hồ cần duy trì tại đầu các thời đoạn 10 ngày và trường hợp khả năng nguồn nước và khả năng các hồ không thỏa mãn được nhu cầu sử dụng nước của vùng hạ du trong suốt mùa cạn thì cần xác định thời kỳ ưu tiên cho các hồ tích nước để thời kỳ dùng nước gia tăng sử dụng, đồng thời phân tích, xác định mức độ ưu tiên cho từng mục đích sử dụng và xác định mực nước tối thiểu của từng hồ cần duy trì tại đầu các thời đoạn 10 ngày.
6. Xây dựng các sơ đồ liên quan:
a) Sơ họa vị trí trạm khí tượng, thủy văn, tài nguyên nước;
b) Sơ họa vị trí các công trình khai thác, sử dụng nước, hồ chứa và các trạm thủy văn, tài nguyên nước và trạm quan trắc vận hành hồ.
Trên đây là tư vấn về tổng hợp, phân tích các tài liệu thu thập, điều tra phục vụ xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn hãy tham khảo tại Thông tư 65/2017/TT-BTNMT. Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn.
Chúc sức khỏe và thành công!
Thư Viện Pháp Luật