Bán tạp hóa có phải đóng thuế GTGT, thuế TNCN?
Theo quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 2 Luật về thuế sửa đổi 2014 thì thu nhập của cá nhân từ hoạt động kinh doanh phải chịu thuế thu nhập cá nhân. Thu nhập từ kinh doanh ở đây bao gồm:
- Thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ;
- Thu nhập từ hoạt động hành nghề độc lập của cá nhân có giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật.
Thu nhập từ kinh doanh theo quy định trên sẽ không bao gồm thu nhập của cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống.
Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì trường hợp thu nhập của cá nhân từ hoạt động kinh doanh mà có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống thì không phải chịu thuế thu nhập cá nhân.
Đồng nghĩa, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống thì không phải khai, nộp thuế thu nhập cá nhân.
Mặt khác, Theo quy định tại Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 thì thuế giá trị gia tăng là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Theo đó, hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, trừ một số đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng theo Luật định.
Theo quy định tại Thông tư 219/2013/TT-BTC thì cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán là cá nhân kinh doanh có phát sinh doanh thu từ kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh trừ cá nhân kinh doanh theo quy định của pháp luật. Cá nhân nộp thuế khoán thì mức doanh thu 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) là doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân của năm.
Trường hợp cá nhân nộp thuế khoán kinh doanh không trọn năm (không đủ 12 tháng trong năm dương lịch) bao gồm: cá nhân mới ra kinh doanh; cá nhân kinh doanh thường xuyên theo thời vụ; cá nhân ngừng/nghỉ kinh doanh thì mức doanh thu 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế GTGT là doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân của một năm (12 tháng); doanh thu tính thuế thực tế để xác định số thuế phải nộp trong năm là doanh thu tương ứng với số tháng thực tế kinh doanh. Trường hợp cá nhân nộp thuế khoán đã được cơ quan thuế thông báo số thuế khoán phải nộp, nếu kinh doanh không trọn năm thì cá nhân được giảm thuế khoán phải nộp tương ứng với số tháng ngừng/nghỉ kinh doanh trong năm.
Trường hợp cá nhân kinh doanh theo hình thức nhóm cá nhân, hộ gia đình thì mức doanh thu 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế GTGT được xác định cho 01 người đại diện duy nhất trong năm tính thuế.
Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì trường hợp cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động kinh doanh từ 100 triệu đồng/năm trở xuống thì không phải chịu thuế giá trị gia tăng.-
Đồng nghĩa, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống thì không phải khai, nộp thuế giá trị gia tăng.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 3 Thông tư 302/TT-BTC thì cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống được miễn lệ phí môn bài.
Mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình được miễn lệ phí môn bài là tổng doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.
Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì cá nhân kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống thì không phải khai, nộp lệ phí môn bài.
Do đó: Đối với trường hợp bạn mở quán bán tạp hóa cho mọi người trong xóm thu nhập chưa tới 5 triệu đồng/tháng chưa trừ tiền mua hàng hóa, tức khoảng 60 triệu đồng/một năm (dưới 100 triệu đồng/năm), nên bạn không phải khai, nộp lệ phí trước bạ, thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật