Định mức lao động của định mức kinh tế - kỹ thuật ngành tài nguyên và môi trường

Tôi đang tìm hiểu về định mức kinh tế - kỹ thuật ngành tài nguyên và môi trường. Tôi có thắc mắc về vấn đề này mong được Ban biên tập giải đáp giúp. Thắc mắc của tôi cụ thể như sau: Định mức lao động của định mức kinh tế - kỹ thuật ngành tài nguyên và môi trường được thực hiện như thế nào? Mong Ban biên tập giải đáp giúp tôi. Chân thành cảm ơn và chúc sức khỏe Ban biên tập. Bảo Anh - Hà Nội

Theo quy định tại Điều 14 Thông tư 04/2017/TT-BTNMT quy định xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật ngành tài nguyên và môi trường do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành thì:

1. Định mức lao động là thời gian lao động trực tiếp cần thiết để sản xuất ra một sản phẩm (hoặc để thực hiện một bước công việc hoặc thực hiện một công việc cụ thể) và thời gian lao động trực tiếp phục vụ trong quá trình kiểm tra nghiệm thu sản phẩm theo quy chế kiểm tra nghiệm thu. Nội dung của định mức lao động bao gồm: Lao động kỹ thuật; lao động phục vụ (lao động phổ thông).

a) Lao động kỹ thuật: là lao động được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ theo chuyên ngành về tài nguyên và môi trường và các ngành nghề khác có liên quan, gồm: Kỹ sư, Kỹ thuật viên, Công nhân kỹ thuật;

b) Lao động phục vụ (lao động phổ thông): là lao động giản đơn được thuê mướn để vận chuyển thiết bị, vật tư, dẫn đường và các loại lao động tương tự.

2. Thành phần định mức lao động gồm:

a) Nội dung công việc: liệt kê các thao tác cơ bản, thao tác chính để thực hiện bước công việc.

b) Phân loại khó khăn: nêu các yếu tố cơ bản gây ảnh hưởng đến việc thực hiện bước công việc (yếu tố vùng, miền, địa hình, địa vật, giao thông). Các mức độ ảnh hưởng đến việc thực hiện (hao phí thời gian) chỉ chênh nhau từ 10% đến 20% (cá biệt không quá 30% của các loại, hạng, nhóm liền kề).

c) Định biên: xác định số lượng và cấp bậc lao động kỹ thuật cụ thể phù hợp với yêu cầu thực hiện của từng nội dung công việc.

d) Định mức: thời gian lao động trực tiếp cần thiết hoàn thành một sản phẩm; đơn vị tính là công cá nhân hoặc công nhóm/đơn vị sản phẩm. Các mức lao động ngoại nghiệp, nếu công việc có lao động phục vụ (lao động phổ thông) thể hiện dưới dạng phân số, trong đó tử số là mức lao động kỹ thuật (tính theo công nhóm, công cá nhân); mẫu số là mức lao động phổ thông (tính theo công đơn).

3. Công lao động bao gồm:

a) Công đơn (công cá nhân): là mức (8 giờ đối với lao động bình thường và 6 giờ đối với lao động nặng nhọc) lao động xác định cho một cá nhân có cấp bậc kỹ thuật cụ thể, trực tiếp thực hiện một bước công việc tạo ra sản phẩm.

b) Công nhóm: là mức lao động xác định cho một nhóm người có cấp bậc kỹ thuật cụ thể, trực tiếp thực hiện một bước công việc tạo ra sản phẩm.

c) Tháng công: là mức lao động xác định cho một người có cấp bậc kỹ thuật cụ thể, trực tiếp thực hiện một bước hoặc một phần công việc tạo ra sản phẩm.

4. Thời gian lao động thực hiện theo quy định của pháp luật về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi.

Trên đây là nội dung quy định về định mức lao động của định mức kinh tế - kỹ thuật ngành tài nguyên và môi trường. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 04/2017/TT-BTNMT.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Môi trường

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào