Trình tự, thủ tục lập, trình và thẩm định Quy hoạch phát triển và sử dụng năng lượng sinh khối cấp tỉnh
Tại Điều 7 Thông tư 29/2015/TT-BCT Quy định nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch phát triển và sử dụng năng lượng sinh khối do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành, có quy định trình tự, thủ tục lập, trình và thẩm định Quy hoạch phát triển và sử dụng năng lượng sinh khối cấp tỉnh như sau:
1. Lập đề cương chi tiết và lựa chọn tư vấn
a) Trên cơ sở kế hoạch vốn ngân sách bố trí cho công tác quy hoạch, Sở Công Thương chịu trách nhiệm lập đề cương chi tiết và dự toán kinh phí (có thể thuê tổ chức tư vấn thực hiện) trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) phê duyệt;
b) Sở Công Thương lựa chọn tổ chức tư vấn có đủ năng lực để giao lập quy hoạch trên cơ sở đề cương và dự toán được duyệt và trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.
2. Lập và trình Quy hoạch phát triển và sử dụng năng lượng sinh khối cấp tỉnh
a) Tổ chức tư vấn được chọn tiến hành lập Đề án quy hoạch cấp tỉnh theo đúng đề cương đã được duyệt và thời hạn được giao;
b) Trong quá trình lập Đề án quy hoạch cấp tỉnh, tổ chức tư vấn phải thực hiện các bước báo cáo trung gian để lấy ý kiến các cơ quan liên quan và hoàn chỉnh Đề án quy hoạch cấp tỉnh;
c) Sở Công Thương chịu trách nhiệm lấy ý kiến các cơ quan liên quan, Công ty điện lực tỉnh và Tổng Công ty điện lực miền có liên quan đến Đề án quy hoạch cấp tỉnh.
Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản xin ý kiến, các cơ quan, đơn vị được xin ý kiến có trách nhiệm nghiên cứu, góp ý bằng văn bản gửi cơ quan xin ý kiến.
3. Hồ sơ trình Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch phát triển và sử dụng năng lượng sinh khối cấp tỉnh bao gồm:
a) Tờ trình phê duyệt quy hoạch của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
b) 10 (mười) bộ Đề án quy hoạch cấp tỉnh hoàn chỉnh và 01 (một) CD/USB chứa file báo cáo Đề án Quy hoạch cấp tỉnh và các tài liệu kèm theo (Thuyết minh, Phụ lục, dữ liệu, số liệu, ý kiến góp ý của các cơ quan liên quan và các tài liệu tham chiếu khác);
c) 10 (mười) bộ báo cáo tóm tắt của Đề án quy hoạch cấp tỉnh;
d) Văn bản góp ý, kiến nghị của các cơ quan có liên quan;
đ) Văn bản giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý của các cơ quan có liên quan.
Trên đây là nội dung tư vấn. Mong là những thông tin chia này sẽ giúp ích cho bạn.
Trân trọng và chúc sức khỏe!
Thư Viện Pháp Luật