Lập di chúc bằng vi bằng có giá trị pháp lý không?
Theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 có quy định thì:
- Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.
Hình thức của di chúc
Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng.
Di chúc hợp pháp phải có các điều kiện sau:
+ Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;
+ Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.
=> pháp luật quy định di chúc có thể được lập thành văn bản hoặc lập di chúc bằng miệng. Di chúc bằng văn bản có 2 loại là một loại có người làm chứng và một loại không có người làm chứng. Trong trường hợp bạn lập di chúc bằng việc lập vi bằng thì người làm chứng có thể là thừa phát lại.
Tại Khoản 8 Điều 2 Nghị định 135/2013/NĐ-CP, có quy định về thẩm quyền lập vi bằng như sau:
- Thừa phát lại có quyền lập vi bằng đối với các sự kiện, hành vi theo yêu cầu của đương sự, trừ các trường hợp quy định tại Điều 6 của Nghị định này; các trường hợp vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng; vi phạm bí mật đời tư theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật dân sự; các trường hợp thuộc thẩm quyền công chứng của tổ chức hành nghề công chứng hoặc thuộc thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân các cấp và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
- Thừa phát lại được lập vi bằng các sự kiện, hành vi xảy ra trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại.
Như vậy, theo quy định trên thì thừa phát lại có thẩm quyền lập vi bằng ghi nhận sự việc lập di chúc của bạn.
Giá trị pháp lý của vi bằng được quy định tại Điều 28 Nghị định 61/2009/NĐ-CP.
- Vi bằng có giá trị chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ án.
- Vi bằng là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Vậy nên, bạn có thể lập di chúc bằng việc lập vi bằng thông qua tổ chức thừa phát lại. Giá trị pháp lý của bản di chúc mà bạn lập thông qua việc lập vi bằng đó được pháp luật ghi nhận và bảo đảm.
Ban biên tập phản hồi thông tin đến bạn.
Thư Viện Pháp Luật