Không đóng tiền trả góp hàng tháng có bị xem là chiếm đoạt tài sản?

Tôi có mua chiếc điện thoại IP 7 giá 10.750.000 đồng tại Thế giới di động và trả góp trong 06 tháng, tôi hiện thực hiện trả góp được 02 tháng, sau đó tôi bị thất nghiệp, nên không có khả năng trả góp tháng thứ 3 và sắp tới là tháng thứ 4, họ nhiều lần điện thoại thông báo tôi trả, và bảo là nếu tôi không thực hiện nghĩa vụ trả tiền của mình là vi phạm và họ sẽ báo công an, thế cho tôi hỏi: Không đóng tiền trả góp hàng tháng có bị xem là chiếm đoạt tài sản?

** Trong trường hợp của bạn căn cứ theo quy định tại Điều 166 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về quyền đòi lại tài sản như sau:

- Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.

- Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ sự chiếm hữu của chủ thể đang có quyền khác đối với tài sản đó.

=> Với trường hợp của bạn, bạn không chịu thanh tóa tiền cho họ thì họ có thể khởi kiện bạn ra Tòa giải quyết vụ việc dân sự. Theo đó, bạn không có khả năng thanh toán bằng tiền mặt thì phía cơ quan chức năng sẽ tiến hành kê biên, phong tỏa tài sản của bạn. Như vậy, bạn phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ và một khoản tiền do chậm trả chứ không phải ở tù.

** Trường hợp bạn có khả năng chi trả, nhưng cố tình né tránh, không thực hiện nghĩa vụ chi trả thì lúc này bạn có thể bị truy cứu về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với mức phạt tù lên đến 20 năm.

Tại Khoản 35 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có quy định về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản như sau:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

...

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

=> Như vậy, còn phải căn cứ vào tính chất và hành vi bạn gây ra mà sẽ phải chịu mức xử phạt như thế nào. Tuy nhiên, dù vì lý do gì thì khi bạn đã thực hiện giao kết hợp đồng là mua trả góp hàng tháng thì bạn nên thực hiện theo đúng trách nhiệm đã giao kết để tránh những hệ quả không tốt có thể xảy ra, gây rắc rối cho đôi bên.

Mua hàng trả góp nhưng không có khả năng chi trả có phải ở tù? Xem TẠI ĐÂY

Trên đây là nội dung tư vấn.

Trân trọng và chúc sức khỏe!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Tội xâm phạm sở hữu

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào