Tự ý khai thác rừng của mình có bị xử lý không?
Theo quy định tại Điều 59 của Luật Lâm nghiệp 2017 có quy định về việc khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng trồng, như sau:
- Chủ rừng quyết định khai thác rừng trồng thuộc sở hữu của mình.
- Trường hợp rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, chủ rừng phải lập hồ sơ khai thác lâm sản trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt nguồn vốn quyết định.
- Việc khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng trồng thực hiện theo quy định của Luật này và Quy chế quản lý rừng.
Như vậy theo quy định trên thì, vì bạn là chủ rừng nên bạn được quyền khai thác. Nhưng sau khi thực hiện việc khai thác bạn phải thực hiện theo quy định tại Điều 29 Nghị định 156/2018/NĐ-CP. Điều 29 có quy định như sau:
-Khai thác gỗ rừng trồng
+ Điều kiện: sau khi khai thác trắng phải trồng lại rừng ngay trong vụ trồng rừng kế tiếp hoặc tái sinh rừng. Đối với rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước phải có phương án khai thác gỗ theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
+ Phương thức khai thác: khai thác trắng theo băng, đám hoặc toàn bộ diện tích rừng do chủ rừng tự quyết định.
- Khai thác tận dụng gỗ rừng trồng
+ Đối tượng: là cây gỗ trên diện tích rừng chuyển mục đích sử dụng rừng, khi thực hiện các biện pháp lâm sinh, phục vụ cho công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học;
+ Điều kiện: rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước phải có quyết định phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền về chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; dự án lâm sinh; chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học.
-Khai thác tận thu gỗ rừng trồng
+ Đối tượng: cây gỗ bị khô mục, đổ gãy, bị cháy, chết do thiên tai nằm trong rừng;
+ Điều kiện: rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước có báo cáo khối lượng, địa danh khai thác gỗ theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
-Khai thác các loài nguy cấp, quý, hiếm phải thực hiện theo quy định của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
- Hưởng lợi từ khai thác lâm sản
+ Rừng trồng do chủ rừng tự đầu tư thì được hưởng toàn bộ giá trị lâm sản;
+ Rừng trồng do ngân sách nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư, chủ rừng được hưởng toàn bộ giá trị lâm sản sau khi thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của Nhà nước.
Như vậy, theo quy định trên thì vì đây là đất rừng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên gia đình bạn có quyền được khai thác và sản xuất. Nhưng để đáp ứng điều kiện để được khai thác thì gia đình bạn phải thực hiện việc khai thác theo đúng quy định trên của pháp luật.
Ban biên tập phản hồi thông tin đến bạn.
Thư Viện Pháp Luật