Cao su gãy làm sập nhà hàng xóm thì có phải bồi thường gì hay không?
Về vấn đề này của bạn thì tại Khoản 1 Điều 177 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định như sau:
Trường hợp cây cối, công trình xây dựng có nguy cơ sập đổ xuống bất động sản liền kề và xung quanh thì chủ sở hữu tài sản thực hiện ngay các biện pháp khắc phục, chặt cây, sửa chữa hoặc dỡ bỏ công trình xây dựng đó theo yêu cầu của chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nếu không tự nguyện thực hiện thì chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho chặt cây, phá dỡ. Chi phí chặt cây, phá dỡ do chủ sở hữu cây cối, công trình xây dựng chịu.
Bên cạnh đó, trường hợp cây cối gây thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh thì chủ sở hữu cây cối phải bồi thường.
=> Như vậy, trên tinh thần tại Điều này thì chủ của các bất động sản liền kề (nhà hàng xóm) khi nhận thấy cây cao su nhà bạn có nguy cơ đổ xuống nhà họ thì họ có quyền yêu cầu bạn chặt bỏ cây cao su đó, nếu bạn không chặt bỏ thì họ có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền chặt bỏ và chi phí cho việc này sẽ do bạn chịu. Chính vì tinh thần của Điều này như vậy nên khi có mưa giông làm gãy cây cao su nhà bạn khiến mái hiên nhà hàng xóm bị sập thì bạn phải bồi thường thiệt hại khi họ đã thông báo về nguy cơ của cây cao su đó mà bạn không chịu chặt bỏ. Còn nếu họ không thông báo mà cây gãy do mưa giông thì bạn có thể không có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp này bạn nhé.
Để rõ hơn về việc "có thể không phải bồi thường" của bạn nêu trên thì Ban biên tập sẽ cung cấp thêm cho bạn một số thông tin như nữa. Cụ thể, tại Khoản 3 Điều 584 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng như sau:
Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Mặt khác, sự kiện bất khả kháng được hiểu là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Như vậy, có thể thấy một sự kiện chỉ được coi là sự kiện bất khả kháng khi sự kiện đó hội tụ đủ ba yếu tố sau đây:
- Thứ nhất, sự kiện đó phải xảy ra một cách khách quan;
- Thứ hai, sự kiện đó phải không lường trước được;
- Thứ ba, sự kiện đó không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
=> Tổng hợp tất cả các phân tích trên thì có thể thấy bạn không phải bồi thường thiệt hại do cây cao su nhà mình gãy làm sập mái hiên nhà hàng xóm khi nhà hàng xóm không có yêu cầu bạn chặt bỏ cây và việc cây gãy là do sự kiện bất khả kháng. Còn lại, nếu hàng xóm có yêu cầu và bạn không thực hiện chặt bỏ hoặc việc cây cao su gãy không phải là sự kiện bất khả kháng thì bạn phải bồi thường bạn nhé.
Trên đây là nội dung giải đáp về việc bồi thường khi cây cao su gãy làm sập nhà hàng xóm.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật