Nghỉ việc ngang có được hưởng tiền thai sản không?
Theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì lao động nữ có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng chế độ thai sản khi sinh con khi đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:
(1) Đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
(2) Đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Trường hợp lao động nữ đáp ứng một trong các điều kiện trên đây mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định.
Do đó: Trường hợp bạn nghỉ việc ngang (trái quy định pháp luật) hay nghỉ việc theo đúng quy định pháp luật thì vẫn không ảnh hưởng đến việc giải quyết chế độ thai sản đối với bạn. Chỉ cần bạn đáp ứng được một trong hai điều kiện kể trên thì bạn được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật.
Theo như thông tin bạn cung cấp cho chúng tôi thì hiện tại bạn đã nghỉ việc ở công ty (nghỉ việc ngang trước khi sinh) nên bạn phải nộp hồ sơ đề nghị hưởng chế độ thai sản đến cơ quan bảo hiểm xã hội nơi cư trú (nơi bạn đang thường trú hoặc là đang tạm trú) để được giải quyết theo quy định của pháp luật hiện hành.
Khi đó, bạn phải chuẩn bị hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau đây:
- Giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh của con (bản sao có chứng thực);
- Sổ bảo hiểm xã hội;
- Chứng minh nhân dân;
- Sổ hộ khấu (nếu làm thủ tục tại nơi thường trú) hoặc Giấy/ Sổ tạm trú (nếu làm thủ tục tại nơi tạm trú).
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan bảo hiểm xã hội phải giải quyết và tổ chức chi trả chế độ thai sản cho bạn theo quy định.
Việc chi trả được thực hiện thông qua tài khoản cá nhân của bạn hoặc bằng tiền mặt (nếu bạn không có tài khoản cá nhân).
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật