Giải đáp một số thắc mắc liên quan đến hiếp dâm người dưới 16 tuổi

Em tôi 14 tuổi 10 tháng bị hai tên (đã trên 18 tuổi hết là thanh niên lêu lổng) hiếp dâm sau khi bị chuốc nhậu say. Khung hình phạt tù là bao nhiêu năm? Nếu bồi thường thiệt hại thì thế nào? Có thể thương lượng để bãi nại hay không? Cảm ơn luật sư?

Khung hình phạt đối với tội hiệp dâm người 14 tuổi 10 tháng?

Theo quy định tại Điều 142 Bộ luật hình sự 2015 thì người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi:

- Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ;

- Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi.

Tùy từng trường hợp cụ thể, tính chất, mức độ của hành vi phạm tội thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ 07 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy: Theo như thông tin bạn cung cấp cho chúng tôi thì em gái bạn mới 14 tuổi đã bị hai người trên 18 tuổi thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn sau khi bị chuốc say. Ở đây có dấu hiệu của hành vi phạm tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi với tình tiết định khung là nhiều người hiếp một người.

Nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội với tình tiết định khung trên đây thì hai người này có thể bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Ngoài ra, còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm theo quy định của pháp luật.

Nếu bồi thường thiệt hại thì thế nào?

Theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015 thì người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật dân sự 2015, luật khác có liên quan quy định khác.

Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

Như vậy: Căn cứ các quy định được trích dẫn trên đây thì mức bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng sẽ do các bên tự thỏa thuận với nhau. Trường hợp không thỏa thuận được thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

Do đó: Gia đình và bên người phạm tội trên có thể thỏa thuận với nhau về mức bồi thường thiệt hại, nếu hai bên không thể thỏa thuận được thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết.

Có thể thương lượng để bãi nại hay không?

Như đã đề cập ở trên thì bên gia đình và bên người phạm tội có thể thỏa thuận với nhau về mức bồi thường thiệt hại cụ thể trong trường hợp này.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì chỉ khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự 2015 khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.

Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.

Bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.

Như vậy: Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi không thuộc trường hợp khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại. Đồng nghĩa, trường hợp phát hiện có dấu hiệu của hành vi phạm tội thì cơ quan chức năng có quyền khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật mà không cần phải có yêu cầu của bị hại.

Do đó: Trong trường hợp này nếu gia đình có đơn bãi nại thì cơ quan chức năng có quyền khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với các đối tượng trên về Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi.

Khi đó, đơn bãi nại của gia đình chỉ được xem là một tình tiết để giảm nhẹ hình phạt đối với các đối tượng trên nếu bị Tòa kết án.

Trên đây là quan điểm của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Tội xâm phạm tính mạng sức khỏe

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào