Thời gian nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản sau khi nghỉ việc là bao lâu?

Hiện tại, tôi đang mang thai ở tháng thứ 4 của thai kỳ. Thời điểm dự sinh của tôi là 02/09/2019. Qua tìm hiểu tôi được biết điều kiện để tôi nhận được bảo hiểm thai sản là tôi phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con. Tức là trong khoảng 09/2018-09/2019 tôi cần đóng bảo hiểm từ 6 tháng trở lên. Trong khoảng thời gian 09/2018-09/2019, tôi đã đóng bảo hiểm xã hội từ 10/2018-03/2019 (6 tháng) Câu hỏi của tôi là: 1. Nếu tháng 04/2019 tôi chấm dứt hợp đồng lao động tại công ty hiện tại thì tôi đã đủ điều kiện nhận bảo hiểm thai sản hay chưa? Hay tôi phải đi làm đến thời điểm gần sinh, mới được nhận bảo hiểm thai sản? (Vui lòng giải thích rõ giúp tôi) 2. Bắt đầu từ thời điểm tháng 04/2019 tôi có cần đóng bảo hiểm tự nguyện để đảm bảo nhận được bảo hiểm thai sản hay không? 3. Sau khi sinh, tôi sẽ phải tự làm bảo hiểm thai sản? Vậy vui lòng tư vấn giúp tôi quy trình làm việc tại cơ quan bảo hiểm xã hội để tôi nhận được bảo hiểm thai sản (địa điểm cơ quan bảo hiểm xã hội, giấy tờ, hồ sơ cần cung cấp....)

1/ Theo quy định tại Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 về điều kiện hưởng chế độ thai sản thì:

1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Lao động nữ mang thai;

b) Lao động nữ sinh con;

c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;

d) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;

đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;

e) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.

2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

3. Người lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

...

Như vậy, theo quy định này thì điều kiện để hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con là lao động nữ phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc lao động nữ đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà phải nghỉ việc trong thời gian mang thai để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền thì chỉ cần đáp ứng điều kiện đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Theo thông tin Chị cung cấp thì ngày dự sinh của Chị là ngày 02/09/2019. Trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con, tức là khoảng thời gian từ ngày 02/09/2018 đến ngày 02/09/2019, Chị phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên thì sau khi chấm dứt hợp đồng lao động Chị vẫn đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản.

2/ Theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì BHXH tự nguyện chỉ áp dụng đối với chế độ hưu trí và tử tuất, không áp dụng với chế độ thai sản nên nếu Chị tham gia BHXH tự nguyện thì cũng không được hưởng chế độ này. Tuy nhiên, Chị đã đủ điều kiện để hưởng chế độ thai sản như đã trình bày ở trên nếu đã đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

3/ Theo quy định tại Khoản 9 Điều 9 Quyết định 636/QĐ-BHXH năm 2016 thì:

Hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với người lao động đã thôi việc, phục viên, xuất ngũ trước thời Điểm sinh con, nhận con, nhận nuôi con nuôi gồm: Sổ BHXH và hồ sơ theo quy định tại Khoản 2 hoặc Khoản 3 hoặc Khoản 5 hoặc Khoản 6 Điều này.

Như vậy, hồ sơ hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Khoản 2 sẽ bao gồm những giấy tờ sau:

- Giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh hoặc giấy chứng sinh của con

- Sổ bảo hiểm xã hội.

Về nơi nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản:

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 14 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH thì:

Trường hợp người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con, thời điểm nhận con, thời điểm nhận nuôi con nuôi thì nộp hồ sơ và xuất trình sổ bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội nơi cư trú.

Theo đó, Chị chấm dứt hợp đồng lao động trước khi sinh con thì Chị sẽ nộp hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện Chị nơi thường trú hoặc nơi tạm trú.

Về thời hạn nộp hồ sơ:

Khoản 1 Điều 102 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định như sau:

Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc, người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 100, các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 101 của Luật này cho người sử dụng lao động.

Trường hợp người lao động thôi việc trước thời điểm sinh con, nhận nuôi con nuôi thì nộp hồ sơ quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 101 của Luật này và xuất trình sổ bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

Như vậy, đối với người lao động đã nghỉ việc trước khi sinh con thì pháp luật không quy định thời hạn mà người lao động phải nộp nộp hồ sơ và xuất trình sổ bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội nơi cư trú. Vì thế sau khi sinh con mà Chị đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản thì có thể tự mình nộp hồ sơ lên cho cơ quan bảo hiểm để được giải quyết. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cho mình, Chị nên nộp hồ sơ càng sớm càng tốt để Cơ quan bảo hiểm giải quyết quyền lợi cho Chị.

Ban biên tập thông tin đến Chị!

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Hồ sơ hưởng chế độ thai sản

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào