Nhân viên không quay lại làm việc sau thời gian tạm hoãn có được chấm dứt HĐLĐ không?
Theo quy định tại Điều 33 Bộ luật Lao động 2012 thì trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn hợp đồng lao động người lao động phải có mặt tại nơi làm việc và người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.
Theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 38 Bộ luật Lao động 2012 thì sau thời hạn 15 kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn hợp đồng lao động, hoặc một khoản thời gian khác do 2 bên thỏa thuận mà người lao động không có mặt tại nơi làm việc thì người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
==> Như bạn trình bày thì công ty bạn có 01 nhân viên tạm hoãn hợp đồng lao động. Đã hết thời hạn tạm hoãn một tuần mà nhân viên đó vẫn chưa quay lại làm việc. Theo quy trên thì trong vòng 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn hợp đồng lao động nhân viên phải có mặt tại nơi làm việc và công ty phải nhận nhân viên trở lại làm việc, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác. Nếu hết thời hạn trên mà nhân viên vẫn không có mặt tại nơi làm việc thì công ty có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
Đối với trường hợp của công ty bạn nếu như công ty không có thỏa thuận khác với nhân viên thì công ty chưa có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với nhân viên đó vì vẫn chưa hết thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn. Đối với trường hợp công ty có thỏa thuận khác với nhân viên về thời gian quay trở lại làm việc sau khi hết hạn tạm hoãn hợp đồng lao đồng mà nhân viên vi phạm thì công ty có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với nhân viên.
Ngoài ra, theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 7 Nghị định 95/2013/NĐ-CP thì công ty sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng không nhận lại người lao động trở lại làm việc sau khi hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn.
Chúc sức khỏe và thành công!
Thư Viện Pháp Luật