Có được hưởng bảo hiểm y tế khi về quê khám bệnh?
Bảo hiểm y tế được hiểu là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của pháp luật để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện. Theo đó, một trong những nguyên tắc của bảo hiểm y tế là bảo đảm chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia bảo hiểm y tế.
Về việc đăng ký bảo hiểm y tế thì tại Điều 8 Thông tư 40/2015/TT-BYT có quy định như sau:
Người tham gia bảo hiểm y tế được quyền đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu (sau đây gọi tắt là khám bệnh, chữa bệnh ban đầu) tại một trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tuyển xã hoặc tuyến huyện không phân biệt địa giới hành chính, phù hợp với nơi làm việc, nơi cư trú và khả năng đáp ứng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
=> Theo quy định này thì người lao động bình thường khi đăng ký bảo hiểm y tế ban đầu sẽ đăng ký tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tuyến xã hoặc tuyến huyện, vì chỉ trong những trường hợp đặc biệt thì người lao động mới được đăng ký khám bệnh, chữa bệnh tại tuyến tỉnh hoặc tuyến trung ương. Chính vì lý do này và với thông tin mà bạn cung cấp, có thể bạn đã đăng ký bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến xã (phường) hoặc tuyến huyện (quận) tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo đó, tại Khoản 1 Điều 11 Thông tư 40/2015/TT-BYT cũng có quy định như sau:
Người có thẻ bảo hiểm y tế đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa, hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, tại Mục 2 Công văn 943/BHXH-CSYT năm 2016 hướng dẫn bổ sung về giải quyết vướng mắc trong thực hiện chính sách bảo hiểm y tế do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành có quy định:
Trường hợp người có thẻ BHYT đến khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến tại các bệnh viện tuyến huyện từ ngày 01/01/2016 đến ngày Công văn này được ký, ban hành, có xuất trình thẻ BHYT và các giấy tờ tùy thân có ảnh hợp lệ nhưng chưa được hưởng quyền lợi BHYT tại bệnh viện: BHXH các tỉnh tiếp nhận hồ sơ đề nghị thanh toán, tổ chức giám định để chi trả trực tiếp chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người có thẻ BHYT theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, khám chữa bệnh bảo hiểm y tế không đúng tuyến, trái tuyến được hiểu là trường hợp đến cơ sở khám chữa bệnh không đúng với nơi đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu đã đăng ký, nhưng cơ sở khám chữa bệnh đó cùng cấp (có thể là cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh) với cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu đã đăng ký.
=> Như vậy, từ tất cả các quy định trên thì có thể thấy khi bạn về quê khám chữa bệnh thì bạn vẫn được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế bạn nhé. Cụ thể, từ ngày 01/01/2016 nếu bạn về quê khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến huyện thì bạn vẫn sẽ được hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh bạn nhé.
Theo Thông tư 40/2015/TT-BYT thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tuyến huyện và tương đương bao gồm:
+ Bệnh viện đa khoa huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;
+ Trung tâm y tế huyện có chức năng khám bệnh, chữa bệnh; Trung tâm y tế huyện có phòng khám đa khoa;
+ Phòng khám đa khoa; phòng khám đa khoa khu vực;
+ Bệnh viện đa khoa hạng III, hạng IV và chưa xếp hạng thuộc các Bộ, Ngành hoặc trực thuộc đơn vị thuộc các Bộ, Ngành;
+ Bệnh viện đa khoa tư nhân tương đương hạng III, tương đương hạng IV hoặc chưa được xếp hạng tương đương;
+ Bệnh viện y học cổ truyền tư nhân tương đương hạng III, tương đương hạng IV hoặc chưa được xếp hạng tương đương;
+ Phòng Y tế, Bệnh xá trực thuộc Bộ Công an, Bệnh xá Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
+ Trung tâm y tế quân - dân y, Bệnh xá quân y, Bệnh xá quân - dân y, Bệnh viện quân y hạng III, hạng IV hoặc chưa được xếp hạng, bệnh viện quân - dân y hạng III, hạng IV hoặc chưa được xếp hạng, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Trên đây là nội dung giải đáp về việc hưởng bảo hiểm y tế của người lao động đi về quê khám chữa bệnh.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật