Giáo viên bị tai nạn gãy chân trong thời gian nghỉ hè có được hưởng chế độ ốm đau?
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 5 Thông tư 28/2009/TT-BGĐT được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 4 Điều 1 Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT quy định:
“Điều 5. Thời gian làm việc, thời gian nghỉ hằng năm.
3. Thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên gồm: nghỉ hè, nghỉ tết âm lịch, nghỉ học kỳ và các ngày nghỉ khác, cụ thể như sau:
a) Thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên là 02 tháng (bao gồm cả nghỉ hằng năm theo quy định của Bộ Luật lao động), được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có).
b) Thời gian nghỉ tết âm lịch, nghỉ học kỳ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;
c) Các ngày nghỉ khác theo quy định của Bộ Luật lao động.
Căn cứ kế hoạch năm học, quy mô, đặc điểm, điều kiện cụ thể của từng trường, Hiệu trưởng bố trí thời gian nghỉ hằng năm cho giáo viên một cách hợp lý theo đúng quy định.”
Theo đó, thời gian nghỉ hè của giáo viên là 02 tháng và lịch nghỉ này sẽ căn cứ vào sự bố trí của Hiệu trưởng chứ không có quy định cụ thể về lịch nghỉ hè của giáo viên là trong các tháng nào. Do đó, có 02 khả năng xảy ra:
- Nếu bạn nghỉ ốm vào thời gian nghỉ hè của giáo viên thì bạn vẫn được nhận tiền lương và các khoản phụ cấp bình thường;
- Nếu bạn nghỉ ốm vào thời gian đi dạy tại trường thì sẽ không được trả lương trong những ngày nghỉ ốm đó. Trong thời gian này bạn có thể nộp giấy ra viện hoặc giấy hoặc giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội cho nhà trường để được hưởng chế độ ốm đau của bảo hiểm.
Về nguyên tắc người lao động làm việc thì sẽ được hưởng lương, chế độ ốm đau chỉ bù đắp khoản tiền lương người lao động bị mất do không đi làm.
Như vậy, thời gian nghỉ hè bạn vẫn được nhận tiền lương và các khoản phụ cấp bình thường. Do đó, khi bạn bị gãy chân và không thể đi lại trong thời gian nghỉ hè thì bạn sẽ không được giải quyết chế độ ốm đau trong thời gian này.
Trên đây là ý kiến tư vấn hỗ trợ của chúng tôi đối với yêu cầu hỗ trợ của bạn.
Trân trọng!
Hồ Văn Ngọc