Xác định quê quán, dân tộc khi đăng ký khai sinh cho con
Theo quy định tại Luật Hộ tịch 2014 thì đăng ký khai sinh là một trong các thủ tục đăng ký hộ tịch được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ thực hiện đăng ký khai sinh. Nội dung đăng ký khai sinh gồm:
- Thông tin của người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; quê quán; dân tộc; quốc tịch;
- Thông tin của cha, mẹ người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú;
- Số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh.
Trong đó, việc xác định quốc tịch, dân tộc, họ của người được khai sinh được thực hiện theo quy định của pháp luật về quốc tịch Việt Nam và pháp luật dân sự.
Theo quy định tại Khoản 8 Điều 4 Luật Hộ tịch 2014 và Khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2015/NĐ-CP thì quê quán của cá nhân được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha, mẹ hoặc theo tập quán được ghi trong tờ khai khi đăng ký khai sinh.
Còn theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015 thì cá nhân khi sinh ra được xác định dân tộc theo dân tộc của cha đẻ, mẹ đẻ. Trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau thì dân tộc của con được xác định theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha đẻ, mẹ đẻ; trường hợp không có thỏa thuận thì dân tộc của con được xác định theo tập quán; trường hợp tập quán khác nhau thì dân tộc của con được xác định theo tập quán của dân tộc ít người hơn.
Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì về nguyên tắc việc xác định quê quán, dân tộc của con mới sinh khi đi đăng ký khai sinh sẽ do cho mẹ tự thỏa thuận với nhau. Trường hợp cha mẹ không thỏa thuận được thì thực hiện theo quy định của pháp luật và theo tập quán của cá dân tộc.
Đồng thời có thể thấy, việc xác định quê quán, dân tộc của con mới sinh là hai việc hoàn toàn tách bạch với nhau và được quy định cụ thể tại hai văn bản pháp luật khác nhau. Nên có thể thấy việc xác định quê quán của con theo cha/mẹ không đồng nghĩa khi đó dân tộc của con cũng sẽ được xác định theo cha/mẹ và ngược lại.
Do đó: Đối với trường hợp bạn quê Thanh Hóa, dân tộc Kinh. Chồng bạn quê Bắc Kạn, dân tộc Tày. Bạn muốn khai sinh cho con ở Thanh Hóa, thì dân tộc và nguyên quán của con bạn sẽ được xác định dựa trên sự thỏa thuận của vợ chồng bạn hoặc theo quy định của pháp luật.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật