Chồng đứng tên sổ đỏ thì vợ có quyền gì không?

Chồng đứng tên sổ đỏ thì vợ có quyền gì không? Sổ đỏ là tài sản riêng của chồng thì có thể nhập vào tài sản chung của hai vợ chồng không? Vợ chồng tôi kết hôn được 02 năm, sau thời gian tiết kiệm thì vợ chồng tôi có mua được căn nhà, do công việc tôi khá bận nên trong hợp đồng mua nhà, sổ đỏ đều do chồng tôi đứng tên, thế lỡ sau này chúng tôi có tranh chấp, tôi không có tên trong sổ đỏ thì có quyền gì với tài sản này không? Ban tư vấn hỗ trợ giúp. Và cho hỏi thêm, trường hợp ba mẹ tôi tặng riêng đất cho tôi thi Sổ đỏ là tài sản riêng của chồng thì có thể nhập vào tài sản chung của hai vợ chồng không? 

Chồng đứng tên sổ đỏ thì vợ có quyền gì không?

CCPL: Bộ luật dân sự 2015; Luật hôn nhân gia đình 2014

Tại Điều 33 Luật hôn nhân gia đình 2014 có quy định về tài sản chung của vợ chồng như sau:

- Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

- Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

- Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.

=> Như vậy, phần tài sản được mua trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

Đồng thời, tại Khoản 1 Điều 34 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản chung:

Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng phải ghi tên cả hai vợ chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

=> khi đăng ký quyền sử dụng đất hình thành trong thời kỳ hôn nhân, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ ghi hai vợ chồng trên Sổ đỏ. Tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp Sổ đỏ đều ghi tên cả vợ và chồng, mà còn tùy vào sự thỏa thuận của đôi bên.

==> Từ những phân tích trên vợ chồng bạn mua nhà nhưng có mình chồng bạn đứng tên thì bạn vẫn có quyền đối với phần tài sản đó, vì nó được hình thành trong thời kỳ hôn nhân. Trường hợp chỉ có chồng bạn đứng tên mà xảy ra tranh chấp, nếu chồng bạn không chứng minh được đó là tài sản riêng của chồng bạn thì ngôi nhà vẫn thuộc sở hữu chung của cả hai vợ chồng.

Do đó, tại Điều 217, Điều 218 Bộ luật Dân sự 2015 thì vợ, chồng có quyền ngang nhau và cùng bàn bạc trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung. Như vậy, bạn có quyền quyết định liên quan đến sử dụng, định đoạt ngôi nhà.

Bạn có thể tham khảo thêm:

Trường hợp nào làm sổ đỏ trong thời kỳ hôn nhân được xác định là tài sản riêng?

Hướng dẫn xác định tài sản riêng của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân

Sổ đỏ là tài sản riêng của chồng thì có thể nhập vào tài sản chung của hai vợ chồng không?

Căn cứ Điều 46 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:

Nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung

1. Việc nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung được thực hiện theo thỏa thuận của vợ chồng.

2. Tài sản được nhập vào tài sản chung mà theo quy định của pháp luật, giao dịch liên quan đến tài sản đó phải tuân theo hình thức nhất định thì thỏa thuận phải bảo đảm hình thức đó.

Như vậy, chồng hoàn toàn được quyền nhập vào tài sản chung khi được tặng cho tài sản riêng.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Sổ đỏ

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào