Vợ không đóng BHXH, chồng được hưởng các chế độ gì khi vợ sinh?
1. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản
Theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau:
- 05 ngày làm việc;
- 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;
- Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc;
- Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.
Như vậy: Trường hợp bạn đang là giáo viên biên chế có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, hiện nay vợ bạn vừa mới sinh con thứ ba và phải sinh mổ nên bạn được giải quyết chế độ nghỉ việc hưởng chế độ thai sản với thời gian là 07 ngày.
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý bạn chỉ được giải quyết nghỉ việc 07 ngày hưởng chế độ thai sản trong thời hạn 30 ngày đầu kể từ ngày vợ bạn sinh con. Sau thời gian này thì bạn không được giải quyết chế độ này nữa.
2. Trợ cấp một lần khi vợ sinh
Theo quy định tại Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi.
Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.
Như vậy: Trường hợp vợ bạn không có tham gia bảo hiểm xã hội, thì bạn được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở.
Theo quy định tại Nghị định 72/2018/NĐ-CP thì mức lương cơ sở hiện nay là 1.390.000 đồng/tháng.
Suy ra: Bạn được nhận trợ cấp một lần số tiền là 2.780.000 đồng.
3. Cách thức làm hồ sơ như thế nào?
Trường hợp này bạn nộp một trong các giấy tờ sau đây đến đơn vị sử dụng lao động để được giải quyết chế độ theo thẩm quyền:
+ Giấy khai sinh của con (bản sao có công chứng)
+ Trích lục khai sinh của con;
+ Giấy chứng sinh của con trừ trường hợp con chết mà chưa được cấp giấy chứng sinh.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật