Chế độ nghỉ khám thai đối với lao động nữ 2019
CCPL: Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Quyết định 636/QĐ-BHXH năm 2016
Điều 32 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định:
1. Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày; trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 02 ngày cho mỗi lần khám thai.
2. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
Như vậy, theo quy định này thì trong suốt thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ ít nhất 05 ngày đi khám thai và tối đa là 10 ngày nếu ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường. Những ngày này không bao gồm ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
Mức lương lao động nữ nhận được khi nghỉ khám thai:
Lao động nữ nghỉ việc để đi khám thai sẽ không hưởng lương từ người sử dụng lao động mà sẽ được hưởng trợ cấp từ cơ quan BHXH theo Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
Mức hưởng một ngày được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày.
Ví dụ: Bạn nghỉ 5 ngày thì mức hưởng = Lương trung bình 6 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản/24*5
Giấy tờ bắt buộc phải có:
Theo Điều 9 Quyết định 636/QĐ-BHXH năm 2016 thì Hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ đi khám thai là giấy ra viện đối với trường hợp Điều trị nội trú hoặc giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH (bản chính) đối với trường hợp Điều trị ngoại trú.
Thời hạn giải quyết:
Theo Điều 102 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc, người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 100, các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 101 của Luật này cho người sử dụng lao động.
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ quy định tại Điều 100 và Điều 101 của Luật này nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
Trân trọng!