Cho vay không có giấy tờ có kiện đòi lại tiền được không?
Theo quy định tại Điều 190 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì người khởi kiện gửi đơn khởi kiện kèm theo tài liệu, chứng cứ mà mình hiện có đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng các phương thức sau đây:
- Nộp trực tiếp tại Tòa án;
- Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;
- Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì khi khởi kiện ra Tòa án, tổ chức, cá nhân phải gửi kèm theo đơn khởi kiện ít nhất là các tài liệu, chứng cứ để chứng minh quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân đó đang bị xâm phạm để Tòa án có căn cứ xem xét thụ lý đơn khởi kiện theo quy định của pháp luật.
Do đó: Trường hợp bạn có cho bạn thân mượn 100 triệu trong thời hạn hai năm, nhưng đến nay đã quá 2 năm mà bạn thân của bạn không chịu trả cho cho bạn dù biết rằng bạn đang cần gấp số tiền này và trong khi bạn thân của bạn biết nó làm ăn được có nhiều tiền. Như vậy, có thể thấy quyền được trả lại tiền theo thỏa thuận vay trước đây của bạn đã bị bạn của bạn xâm phạm.
Nhưng để khởi kiện ra Tòa án và được Tòa án thụ lý giải quyết thì bạn phải có cả, tài liệu, chứng cứ chứng minh về mối quan hệ vay và chứng minh được quyền lợi của bạn đang bị xâm phạm. Tuy nhiên, theo như thông tin bạn cung cấp thì bạn cho bạn thân mượn 100 triệu trong thời hạn hai năm mà không có giấy tờ vay mượn gì, nên chư có cơ sở để được Tòa án thụ lý đơn khởi kiện của bạn.
Theo quan điểm của chúng tôi, bạn nên trình báo đến với chính quyền địa phương nơi người bạn của bạn đang cư trú để cơ quan này đứng ra hòa giải và lấy ý kiến của cả hai bên. Sau khi giải quyết, cơ quan này sẽ lập biên bản xác nhận quan hệ vay tiền giữa hai bạn.
Sau đó, bạn có thể gửi đơn khởi kiện kèm biên bản xác nhận này đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người bạn thân của bạn đang cư trú để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật