Nhiệm vụ, quyền hạn đối với từng Tổ Nghiệp vụ thuộc Bảo hiểm xã hội huyện

Nhiệm vụ, quyền hạn đối với từng Tổ Nghiệp vụ thuộc Bảo hiểm xã hội huyện được quy định như thế nào? Đây là nội dung thắc mắc Ban biên tập nhận được từ email của bạn Nghị (***@gmail.com)

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Quyết định 1306/QĐ-BHXH năm 2017 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, trách nhiệm và chế độ quản lý của các Tổ Nghiệp vụ thuộc Bảo hiểm xã hội huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành thì:

Ngoài những nhiệm vụ chung, Tổ Nghiệp vụ thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể như sau:

2.1. Tổ Thu

a) Xây dựng trình Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện dự toán thu, kế hoạch phát triển đối tượng tham gia, kế hoạch thu nợ đối với các tổ chức, cá nhân nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; tổ chức thực hiện kế hoạch sau khi được phê duyệt.

b) Tổ chức thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn theo quy định của pháp luật và theo phân cấp quản lý của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Tham mưu giúp Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện ký hợp đồng với các tổ chức làm đại lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định; quản lý hệ thống đại lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo phạm vi được giao.

c) Kiểm tra, đối chiếu danh sách, thẩm định hồ sơ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo phân cấp; tổng hợp báo cáo số đối tượng tham gia và số thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

d) Tham mưu giúp Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện đào tạo nhân viên đại lý thu, cấp thẻ nhân viên đại lý thu theo phân cấp, ký hợp đồng với các đại lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế có đủ điều kiện; kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng.

đ) Cung cấp đầy đủ và kịp thời thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức, cá nhân tham gia yêu cầu theo quy định của pháp luật và quy định của Ngành.

e) Thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến việc khởi kiện các tổ chức và cá nhân vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thuộc thẩm quyền của Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện.

g) Thực hiện các nhiệm vụ khác được Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện giao.

2.2. Tổ Cấp sổ, thẻ và Kiểm tra

a) Xây dựng kế hoạch kiểm tra hàng năm; dự toán số lượng phôi sổ bảo hiểm xã hội, phôi thẻ bảo hiểm y tế.

b) Tổ chức kiểm tra, đối chiếu hồ sơ, dữ liệu thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; tổ chức thực hiện cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế và ghi, xác nhận, chốt sổ bảo hiểm xã hội của người tham gia theo quy định; cấp và quản lý giấy xác nhận thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng.

c) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo về việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế đối với các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật và của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

d) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và công tác chi trả bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

đ) Thực hiện các nhiệm vụ khác được Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện giao.

2.3. Tổ Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội

a) Tổ chức thực hiện giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; quản lý các đối tượng hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp theo đúng quy định của pháp luật và của Ngành.

b) Thực hiện các nhiệm vụ khác được Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện giao.

2.4. Tổ Tiếp nhận & Quản lý hồ sơ

a) Thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế tại cơ quan Bảo hiểm xã hội huyện theo quy định.

b) Tổ chức thực hiện kiểm tra, tiếp nhận hồ sơ liên quan đến việc tham gia và hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế của các tổ chức, cá nhân theo quy định.

c) Chuyển hồ sơ tiếp nhận đến các đơn vị chuyên môn, nghiệp vụ liên quan giải quyết và nhận lại kết quả giải quyết từ các đơn vị để trả lại cho các tổ chức, cá nhân; theo dõi, đôn đốc các đơn vị chuyên môn thực hiện đúng quy định.

d) Hướng dẫn, tư vấn các vấn đề liên quan đến thủ tục hồ sơ, chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân.

đ) Thực hiện công tác lưu trữ hồ sơ, tài liệu theo quy định.

e) Thực hiện các nhiệm vụ khác được Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện giao.

2.5. Tổ Kế toán - Chi trả và Giám định bảo hiểm y tế

a) Tham mưu giúp Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện ký hợp đồng với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có đủ điều kiện, tiêu chuẩn chuyên môn, kỹ thuật theo quy định của pháp luật được phân cấp; giám sát việc thực hiện hợp đồng, cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế và bảo vệ quyền lợi người tham gia bảo hiểm y tế; chống lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế. Tham mưu giúp Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện trích chuyển kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu đối với các cơ sở giáo dục quốc dân theo phân cấp thu.

b) Tổ chức thực hiện quy trình giám định bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật và của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

c) Tiếp nhận khoản kinh phí từ Ngân sách Nhà nước chuyển sang để đóng, hỗ trợ đóng cho các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế.

d) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng, tổng hợp và lập dự toán thu, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và chi quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế của Bảo hiểm xã hội huyện.

đ) Thẩm định chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; thanh, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế và người có thẻ bảo hiểm y tế.

e) Kiểm tra, giám sát các khoản thu, chi tài chính, các nghĩa vụ thu, nộp, thanh toán nợ; kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài sản; phát hiện và ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật về tài chính, kế toán.

g) Phân tích thông tin, số liệu kế toán; tham mưu, đề xuất các giải pháp phục vụ yêu cầu quản lý và quyết định tài chính, kế toán của đơn vị.

h) Tổ chức thực hiện công tác chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định; từ chối việc đóng hoặc chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế không đúng quy định. Tổ chức thực hiện giải quyết các chế độ và quản lý các đối tượng hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo đúng quy định của pháp luật và của Ngành.

i) Quản lý và sử dụng, hạch toán kế toán các nguồn kinh phí và tài sản theo phân cấp. Phân loại, sắp xếp chứng từ, sổ sách kế toán theo đúng quy định của Nhà nước và của Ngành.

k) Tham mưu việc tổ chức thực hiện ký hợp đồng với các tổ chức, cá nhân làm đại lý chi bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.

l) Tổ chức hướng dẫn nghiệp vụ về tài chính, kế toán cho các tổ chức, cá nhân tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

m) Thực hiện các nhiệm vụ khác được Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện giao.

2.6. Tổ Thu - Cấp sổ, thẻ và Kiểm tra

Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Khoản 1 và Điểm 2.1, Điểm 2.2 Khoản 2 Điều này.

2.7. Tổ Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội và Tiếp nhận & Quản lý hồ sơ

Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Khoản 1 và Điểm 2.3, Điểm 2.4 Khoản 2 Điều này.

Trên đây là nội dung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn đối với từng Tổ Nghiệp vụ thuộc Bảo hiểm xã hội huyện. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, bạn nên tham khảo thêm tại Quyết định 1306/QĐ-BHXH năm 2017.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Bảo hiểm xã hội huyện

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào