Cưỡng bức nhân viên làm thêm giờ có thể bị đi tù?
Theo quy định tại Bộ luật lao động 2012 thì thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và 48 giờ trong 01 tuần. Người sử dụng lao động có quyền quy định làm việc theo giờ hoặc ngày hoặc tuần; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày, nhưng không quá 48 giờ trong 01 tuần. Thời giờ làm việc không quá 06 giờ trong 01 ngày đối với những người làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định.
Ngoài thời giờ làm việc bình thường thì người sử dụng lao động có thể thoản thuận với người lao động về việc làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện được quy định tại Điều 106 Bộ luật lao động 2012 hoặc có quyền yêu cầu người lao động làm thêm giờ vào bất kỳ ngày nào và người lao động không được từ chối trong các trường hợp được quy định tại Điều 107 Bộ luật lao động 2012.
Pháp luật nghiêm cấm người sử dụng lao động có hành vi cưỡng bức người lao động làm thêm giờ trái ý muốn của người lao động. Các trường hợp cưỡng bức người lao động làm thêm giờ, tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà người sử dụng lao động có thể bị xử lý hành chính hoặc có thể nặng hơn là bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.
** Trường hợp xử phạt hành chính:
Theo quy định tại Điều 14 Nghị định 95/2013/NĐ-CP thì:
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
+ Thực hiện thời giờ làm việc bình thường quá số giờ làm việc theo quy định kể trên;
+ Huy động người lao động làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của người lao động (trừ trường hợp quy định tại Điều 107 Bộ luật lao động 2012).
- Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động huy động người lao động làm thêm giờ:
+ Vượt quá 12 giờ trong 01 ngày; quá 30 giờ trong 01 tháng hoặc tổng số quá 200 giờ trong 01 năm;
+ Quá 300 giờ trong 01 năm đối với một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định;
+ Quá 12 giờ trong 01 ngày khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết và ngày nghỉ hằng tuần.
Ngoài ra, người sử dụng lao động còn bị ình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 03 tháng.
** Trường hợp truy cứu trách nhiệm hình sự:
Theo quy định tại Điều 297 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi 2017) thì gười nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác ép buộc người khác phải lao động thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng bức lao động:
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% trở lên;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% trở lên.
Như vậy: Trường hợp người sử dụng lao động mà có hành vi cưỡng ép, bắt buộc người lao động của mình lạm việc thêm giờ ngoài ý muốn của người lao động thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cưỡng bức lao động.
Tùy vào từng trường hợp cụ thể, tính chất, mức độ của hành vi phạm tội mà người phạm tội cưỡng bức lao động có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 12 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật