Nhặt được Herôin, thuốc phiện đem về nhà cất giấu thì có phạm tội?
Tại Khoản 1 Điều 230 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định:
Người phát hiện tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại tài sản cho người đó; nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.
Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã đã nhận tài sản phải thông báo cho người đã giao nộp về kết quả xác định chủ sở hữu.
=> Như vậy, trường hợp này ngay khi nhặt được bạn nên báo ngay cho cơ quan công an gần nhất biết vì đây là ma túy (heroin, thuốc phiện), tuy nhiên nên có chứng cư chứng minh là hàng mà bạn nhặt được, ví dụ là camera an ninh ở cột điện gần nhất,...
Tuy nhiên, bạn đã đem về nhà để cất giấu thì đó là hành vi tàng trữ, cụ thể theo quy định tại Điều 253 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi Khoản 70 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có quy định về tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy:
1. Người nào tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 06 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Tiền chất ở thể rắn có khối lượng từ 50 gam đến dưới 200 gam;
c) Tiền chất ở thể lỏng có thể tích từ 75 mililít đến dưới 300 mililít.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 13 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Tiền chất ở thể rắn có khối lượng từ 200 gam đến dưới 500 gam;
e) Tiền chất ở thể lỏng có thể tích từ 300 mililít đến dưới 750 mililít;
g) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
h) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
i) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 13 năm đến 20 năm:
a) Tiền chất ở thể rắn có khối lượng từ 500 gam đến dưới 1.200 gam;
b) Tiền chất ở thể lỏng có thể tích từ 750 mililít đến dưới 1.800 mililít.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Tiền chất ở thể rắn có khối lượng 1.200 gam trở lên;
b) Tiền chất ở thể lỏng có thể tích 1.800 mililít trở lên.
5. Trường hợp phạm tội có cả tiền chất ở thể rắn và tiền chất ở thể lỏng thì được quy đổi để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự, với tỷ lệ 01 gam tiền chất ở thể rắn tương đương với 1,5 mililít tiền chất ở thể lỏng. Sau khi quy đổi, số lượng tiền chất thuộc khoản nào, thì người thực hiện hành vi phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản đó.
6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Đồng thời, tại Thông tư liên tịch 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP có quy định rõ:
“Tàng trữ trái phép chất ma túy” là cất giữ, cất giấu bất hợp pháp chất ma túy ở bất cứ nơi nào (như trong nhà, ngoài vườn, chôn dưới đất, để trong vali, cho vào thùng xăng xe, cất dấu trong quần áo, tư trang mặc trên người hoặc theo người…) mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển hay sản xuất trái phép chất ma túy. Thời gian tàng trữ dài hay ngắn không ảnh hưởng đến việc xác định tội này.
=> Như vậy, căn cứ quy định trên thì hành vi cất giấu ma túy (thuốc phiện, heroin) của bạn đã cấu thành nên Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy.
Trên đây là nội dung tư vấn.
Trân trọng và chúc sức khỏe!
Thư Viện Pháp Luật