Có được quyền đuổi ba mẹ ra khỏi nhà không
Về vấn đề của bạn, vì bạn chưa cung cấp thông tin cụ thể, chúng tôi sẽ tư vấn qua hai trường hợp sau:
Thứ nhất, theo thông tin bạn cung cấp, Ông Trung là chủ sở hữu hợp pháp đối với quyền sử dụng đất ở Tập thể Cơ khí………………………... Đây là tài sản được thừa kế riêng của ông Trung, tuy nhiên, nếu chứng minh được tài sản này được đưa vào sử dụng chung mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản riêng đó phải được sự thỏa thuận của cả vợ chồng (khoản 4 Điều 44 Luật hôn nhân và gia đình hiện hành). Vậy, mặc dù là tài sản riêng, thế nhưng nếu nằm trong trường hợp này, ông Trung phải có sự thỏa thuận với bà Minh rồi mới được định đoạt chuyển quyền sử dụng đất trên cho 2 con gái. Vì thế, bà Minh có thể yêu cầu UBND cấp xã hòa giải và nộp đơn khởi kiện tại Tòa án yêu cầu tuyên bố hợp đồng tặng cho giữa ông Trung và 2 người con gái vô hiệu. Theo đó, chủ sở hữu mảnh đất này vẫn thuộc về ông Trung, và 2 người con gái không còn căn cứ đuổi cha, mẹ kế, em trai ra khỏi nhà nữa.
Thứ hai, nếu mảnh đất trên không thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 44 trên, thì ông Trung là chủ sở hữu hợp pháp, dù đang trong thời kỳ hôn nhân, nhưng ông hoàn toàn có quyền định đoạt đối với tài sản riêng của mình (khoản 1 Điều 44 Luật hôn nhân và gia đình). Vì thế, việc chuyển quyền sở hữu đất và tài sản gắn liền với đất ở Tập thể Cơ khí………………., Hà Nội cho cô Giang và cô Hà nên phát sinh hiệu lực kể từ thời điểm thủ tục này hoàn thành, quyền sử dụng đất trên sẽ thuộc sở hữu hợp pháp của cô Giang và cô Hà. Nghĩa là, cô Giang và cô Hà lúc này được toàn quyền định đoạt đối với quyền sử dụng đất trên (Điều 179 Luật đất đai 2013)
Việc cô Hà và cô Giang chuyển về và yêu cầu ông Trung, bà Minh và con trai ra khỏi nhà xét trên phương diện pháp luật, như đã phân tích về các quyền ở trên, họ không làm trái quy định. Tài sản này giờ thuộc sở hữu chung của cô Hà và cô Giang, không phải là tài sản chung của Hộ gia đình nên vấn đề hộ khẩu không ảnh hưởng đến quyền của chủ sở hữu hợp pháp. Tuy nhiên, căn cứ Luật hôn nhân gia đình năm 2014, cô Hà và cô Giang là con của ông Trung nên mặc dù đuổi ông Trung ra khỏi mảnh đất trên nhưng vẫn phải có nghĩa vụ chăm sóc cho cha mình, không được ngược đãi cha, mẹ của mình (Điều 70 Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành)
Nếu có bằng chứng về việc bị ngược đãi,có thể yêu cầu chính quyền địa phương can thiệp giải quyết để tùy mức độ mà xử phạt vi phạm hành chính. Khi người có hành vi ngược đãi cha, mẹ đã bị xử phạt hành chính mà vẫn tiếp tục có hành vi ngược đãi cha, mẹ mình thì sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 151 Bộ luật hình sự hiện hành - Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình : “Người nào ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm”. Như vậy, theo quy định nêu trên tùy vào mức độ nghiêm trọng của hành vi thì sẽ bị xử lý tương ứng. Hành vi ngược đãi; hành hạ cha mẹ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Thư Viện Pháp Luật