Nhặt được điện thoại lấy tiền chuộc thì có phạm tội?
Tại Khoản 1 Điều 230 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định:
Người phát hiện tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại tài sản cho người đó; nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.
Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã đã nhận tài sản phải thông báo cho người đã giao nộp về kết quả xác định chủ sở hữu.
=> Như vậy, trường hợp này bạn nhặt được điện thoại, dù không biết chủ là ai nhưng chủ điện thoại đó có nhiều lần gọi đến nhưng bạn lại không nghe, lúc này bạn đã nảy sinh ý nghĩ chiếm đoạt. Tuy nhiên, do lòng không yên nên bạn đã quyết định trả lại với điều kiện chủ chiếc điện thoại phải chuộc lại với giá 2.000.000 đồng, với hành vi này của bạn đã phạm vào tội cưỡng đoạt tài sản tại Khoản 1 Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015: Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Đồng thời, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Tài sản nhặt được không phải là tài sản của mình nên mong rằng bạn có suy nghĩ đúng dắn, trả lại cho người mất, đó sẽ là hành động đáng để tuyên dương.
Trên đây là nội dung tư vấn.
Trân trọng và chúc sức khỏe!
Thư Viện Pháp Luật