Trời nắng nghỉ làm thì có sao không?

Sài Gòn chưa có năm nào nắng gắt như năm nay, nhiều khi công việc dồn dập nên phải chấp nhận chạy giao hồ sơ giữa trưa nắng như một shipper thực sự. Nhiều khi đi nắng về thì mệt nên muốn nghỉ làm, vậy nghỉ thì có sao không?

CCPL: Bộ luật Lao động 2012

Khoản 1 Điều 111 Bộ luật Lao động 2012 quy định:

Người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:

a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;

b) 14 ngày làm việc đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có có điều kiện sinh sống khắc nghiệt theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành hoặc lao động chưa thành niên hoặc lao động là người khuyết tật;

c) 16 ngày làm việc đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có điều kiện sinh sống đặc biệt khắc nghiệt theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành.

Ngoài ra, theo Điều 112 Bộ luật này thì: Cứ 05 năm làm việc cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 111 của Bộ luật này được tăng thêm tương ứng 01 ngày.

Như vậy, thông thường một năm người lao động sẽ có 12 ngày phép, trừ một số trường hợp đặc biệt và những người làm lâu năm thì số ngày phép sẽ nhiều hơn. Do đó, không chỉ những ngày nắng mà kể cả những ngày bình thường khác bạn vẫn được nghỉ làm, quan trọng là nghỉ có hưởng hương hay không mà thôi.

Do đó, nếu bạn nghỉ phép năm thì hưởng nguyên lương và cứ sử dụng hết theo sắp xếp cá nhân. Còn nếu hết phép thì có thể xin nghỉ không hưởng lương, tránh trường hợp tự ý nghỉ việc tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong 01 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 01 năm mà không có lý do chính đáng thì sẽ bị sa thải.

Trân trọng!

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào