Có phải quyết toán Thuế TNCN thay cho nhân viên đã nghỉ việc?
Theo quy định tại Thông tư 92/2015/TT-BTC thì cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công có trách nhiệm khai quyết toán thuế nếu có số thuế phải nộp thêm hoặc có số thuế nộp thừa đề nghị hoàn hoặc bù trừ vào kỳ khai thuế tiếp theo.
Cá nhân thuộc một trong các trường hợp sau đây thì không phải thực hiện khai quyết toán thuế:
(1) Cá nhân có số thuế phải nộp nhỏ hơn số thuế đã tạm nộp mà không có yêu cầu hoàn thuế hoặc bù trừ thuế vào kỳ sau.
(2) Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 (ba) tháng trở lên tại một đơn vị mà có thêm thu nhập vãng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 (mười) triệu đồng, đã được đơn vị trả thu nhập khấu trừ thuế tại nguồn theo tỷ lệ 10% nếu không có yêu cầu thì không quyết toán thuế đối với phần thu nhập này.
(3) Cá nhân được người sử dụng lao động mua bảo hiểm nhân thọ (trừ bảo hiểm hưu trí tự nguyện), bảo hiểm không bắt buộc khác có tích lũy về phí bảo hiểm mà người sử dụng lao động hoặc doanh nghiệp bảo hiểm đã khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ 10% trên khoản tiền phí bảo hiểm tương ứng với phần người sử dụng lao động theo hướng dẫn tại Khoản 2 Điều 14 Thông tư 92/2015/TT-BTC thì không phải quyết toán thuế đối với phần thu nhập này.
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 21 Thông tư 92/2015/TT-BTC thì cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền côngthuộc trường hợp phải khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân được ủy quyền cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập quyết toán thuế thay trong các trường hợp sau:
- Cá nhân chỉ có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 (ba) tháng trở lên tại một tổ chức, cá nhân trả thu nhập và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm ủy quyền quyết toán thuế, kể cả trường hợp không làm việc đủ 12 (mười hai) tháng trong năm.
- Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 (ba) tháng trở lên tại một tổ chức, cá nhân trả thu nhập và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm ủy quyền quyết toán thuế, kể cả trường hợp không làm việc đủ 12 (mười hai) tháng trong năm, đồng thời có thu nhập vãng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng đã được đơn vị trả thu nhập khấu trừ thuế 10% mà không có yêu cầu quyết toán thuế đối với phần thu nhập này.
- Cá nhân là người lao động được điều chuyển từ tổ chức cũ đến tổ chức mới trong trường hợp tổ chức cũ thực hiện chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi doanh nghiệp. Cuối năm người lao động có ủy quyền quyết toán thuế thì tổ chức mới phải thu lại chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân do tổ chức cũ đã cấp cho người lao động (nếu có) để làm căn cứ tổng hợp thu nhập, số thuế đã khấu trừ và quyết toán thuế thay cho người lao động.
Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ủy quyền cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập quyết toán thuế thay khi cá nhân đó trên thực tế phải đang làm việc tại tổ chức, cá nhân trả thu nhập đó vào thời điểm ủy quyền quyết toán thuế.
Đồng nghĩa, trường hợp cá nhân không còn làm việc cho tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập thì không được ủy quyền cho tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập quyết toán thuế thu nhập cá nhân thay cho mình.
Do đó: Trường hợp nhân viên làm việc cho công ty đã 6 năm, và vừa nghỉ việc vào cuối tháng 2/2019, tức là hiện tại nhân viên này không còn làm việc tại công ty nữa. Nên nhân viên này không được ủy quyền cho công ty quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2018 thay cho nhân viên đó.
Đồng nghĩa, công ty cũng không có trách nhiệm phải thực hiện quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2018 cho nhân viên này.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật