Quy trình, thủ tục xác minh nội dung tố cáo trong hoạt động tư pháp
Tại Điều 20 Quyết định 546/QĐ-VKSTC năm 2018 có quy định quy trình, thủ tục xác minh nội dung tố cáo như sau:
1. Công bố quyết định phân công xác minh nội dung tố cáo
Người được phân công xác minh hoặc Tổ trưởng Tổ xác minh thực hiện việc giao quyết định phân công xác minh nội dung tố cáo cho người bị tố cáo hoặc tổ chức công bố quyết định phân công xác minh nội dung tố cáo tại cơ quan, đơn vị của người bị tố cáo. Việc giao quyết định hoặc tổ chức công bố quyết định phân công xác minh nội dung tố cáo phải được lập biên bản.
2. Làm việc với người tố cáo
Trong trường hợp nội dung đơn tố cáo chưa rõ và thông tin, tài liệu, chứng cứ do người tố cáo cung cấp chưa đầy đủ, người giải quyết tố cáo hoặc người được phân công xác minh nội dung tố cáo làm việc trực tiếp với người tố cáo, yêu cầu cung cấp bổ sung thông tin, tài liệu, chứng cứ để làm rõ nội dung tố cáo. Nội dung làm việc với người tố cáo phải được lập biên bản.
Trường hợp không làm việc trực tiếp với người tố cáo vì lý do khách quan, người giải quyết tố cáo hoặc người được phân công xác minh có văn bản yêu cầu người tố cáo cung cấp bổ sung thông tin, tài liệu, chứng cứ để làm rõ nội dung tố cáo. Thời gian yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ phải trong thời hạn giải quyết tố cáo theo quy định của pháp luật.
3. Làm việc với người bị tố cáo
Trong trường hợp nội dung văn bản giải trình chưa rõ, thông tin, tài liệu, chứng cứ do người bị tố cáo cung cấp chưa đầy đủ, người giải quyết tố cáo hoặc người được phân công xác minh phải làm việc trực tiếp với người bị tố cáo, yêu cầu giải trình bổ sung và cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến nội dung bị tố cáo và nội dung giải trình. Nội dung làm việc với người bị tố cáo phải được lập biên bản.
Trường hợp không làm việc trực tiếp với người bị tố cáo vì lý do khách quan, người giải quyết tố cáo hoặc người được phân công xác minh có văn bản yêu cầu người bị tố cáo giải trình bằng văn bản về nội dung bị tố cáo và cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ để làm rõ nội dung bị tố cáo và nội dung giải trình. Thời hạn yêu cầu giải trình và cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ phải trong thời hạn giải quyết tố cáo theo quy định của pháp luật.
4. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến nội dung tố cáo
Quá trình giải quyết tố cáo, người giải quyết tố cáo hoặc người được phân công xác minh ban hành văn bản yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến nội dung tố cáo. Thời hạn yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ phải trong thời hạn giải quyết tố cáo theo quy định của pháp luật.
Trường hợp làm việc trực tiếp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xác minh, làm rõ nội dung tố cáo, người giải quyết tố cáo hoặc người được phân công xác minh phải thông báo trước nội dung, thời gian, địa điểm làm việc. Nội dung làm việc phải được lập biên bản.
5. Áp dụng biện pháp ngăn chặn thiệt hại, bảo vệ người tố cáo
Người giải quyết tố cáo có trách nhiệm áp dụng biện pháp cần thiết theo thẩm quyền hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền ngăn chặn kịp thời hành vi bị tố cáo gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức; có biện pháp kịp thời bảo vệ người tố cáo theo quy định của pháp luật và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với người có hành vi đe dọa, trả thù, trù dập người tố cáo.
6. Trong trường hợp cần thiết, người giải quyết tố cáo hoặc người được phân công xác minh tiến hành xác minh để xác định tính chính xác, hợp pháp, đầy đủ của các thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến nội dung tố cáo. Việc thu giữ tài liệu, vật chứng (nếu có) phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục, phương pháp thu giữ, bảo quản theo quy định của pháp luật và phải được lập biên bản.
7. Khi xét thấy cần có sự đánh giá các nội dung có liên quan đến chuyên môn, kỹ thuật làm căn cứ cho việc kết luận nội dung tố cáo và xử lý hành vi vi phạm của người bị tố cáo, người giải quyết tố cáo ra quyết định việc trưng cầu giám định hoặc giám định lại.
8. Trong trường hợp tố cáo đã được thụ lý, người tố cáo rút tố cáo thì người giải quyết tố cáo tiến hành giải quyết tố cáo hoặc đình chỉ giải quyết tố cáo theo quy định của pháp luật về tố cáo.
9. Trong quá trình xác minh nội dung tố cáo, nếu thấy có dấu hiệu tội phạm thì người giải quyết tố cáo chuyển tố cáo và thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền để giải quyết; đồng thời, thông báo cho Viện kiểm sát có thẩm quyền để thực hiện việc kiểm sát theo quy định.
Trân trọng và chúc sức khỏe!
Thư Viện Pháp Luật