Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm gì trong việc phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố?
Pháp luật nước ta có quy định về khái niệm rửa tiền và tài trợ khủng bố như sau:
- Rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có, bao gồm:
+ Hành vi được quy định trong Bộ luật hình sự;
+ Trợ giúp cho tổ chức, cá nhân có liên quan đến tội phạm nhằm trốn tránh trách nhiệm pháp lý bằng việc hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có;
+ Chiếm hữu tài sản nếu tại thời điểm nhận tài sản đã biết rõ tài sản đó do phạm tội mà có, nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản.
- Tài trợ khủng bố là hành vi huy động, hỗ trợ tiền, tài sản dưới bất kỳ hình thức nào cho tổ chức, cá nhân khủng bố.
Rửa tiền và tài trợ khủng bố là hai hoạt động vi phạm pháp luật nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến an toàn xã hội. Theo đó, tại Điều 11 Luật các tổ chức tín dụng 2010 có quy định về trách nhiệm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong việc phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố như sau:
- Không được che giấu, thực hiện hoạt động kinh doanh liên quan đến khoản tiền đã có bằng chứng về nguồn gốc bất hợp pháp;
- Xây dựng quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố;
- Thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố;
- Hợp tác với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc điều tra hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố.
Trên đây là nội dung giải đáp về trách nhiệm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong việc phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật