Kinh doanh ngành nghề chưa đăng ký có bị phạt?
Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014 thì các doanh nghiệp được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam được tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm.
Đối với một số ngành, nghề kinh doanh mà pháp luật quy định có các điều kiện kinh doanh cụ thể (hay còn gọi là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện), thì để được kinh doanh đối với các ngành, nghề này, bắt buộc doanh nghiệp phải đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật trước khi tiến hành kinh doanh đối với ngành, nghề đó.
Theo quy định tại Điều 29 Luật Doanh nghiệp 2014 thì trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp sẽ thể hiện các nội dung sau đây:
- Tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp.
- Địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp.
- Họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần; của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân; họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của thành viên là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp và địa chỉ trụ sở chính của thành viên là tổ chức đối với công ty trách nhiệm hữu hạn.
- Vốn điều lệ.
Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì có thể thất hiện nay thông tin về ngành nghề đăng ký kinh doanh không còn được ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp như trước đây nữa (trước đây theo Luật Doanh nghiệp 2005 và các quy định hướng dẫn liên quan đến luật này có quy định trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp phải có thông tin về ngành nghề đăng ký kinh doanh.
Trước đây, theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Nghị định 185/2013/NĐ-CP thì phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh không đúng ngành nghề kinh doanh ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Tuy nhiên, hiện nay quy định này đã bị sửa đổi bởi Khoản 7 Điều 1 Nghị định 124/2015/NĐ-CP. Theo đó, bỏ quy định xử phạt đối với hành vi kinh doanh không đúng ngành nghề ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Do đó: Căn cứ các quy định được trích dẫn trên đây thì có thể xác định, hiện nay doanh nghiệp sẽ không bị phạt khi kinh doanh ngành nghề chưa đăng ký kinh doanh.
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 32 Luật Doanh nghiệp 2014 thì doanh nghiệp phải thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có thay đổi về một trong những nội dung sau đây:
- Thay đổi ngành, nghề kinh doanh;
- Thay đổi cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài, trừ trường hợp đối với công ty niêm yết;
- Thay đổi những nội dung khác trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.
Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì trường hợp doanh nghiệp có thay đổi về ngành, nghề kinh doanh thì doanh nghiệp có trách nhiệm phải thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Theo đó, theo quy định tại Điều 25 Nghị định 50/2016/NĐ-CP thì Trường hợp doanh nghiệp không thực hiện thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh khi thay đổi về ngành, nghề kinh doanh thì bị xử phạt như sau:
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp quá thời hạn quy định từ 01 đến 30 ngày.
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp quá thời hạn quy định từ 31 đến 90 ngày.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên.
Ngoài ra, còn buộc đăng ký thay đổi các nội dung Giấy chứng nhận doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật