Tổ chức tài chính phải áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng trong trường hợp nào để phòng chống rửa tiền?
Như chúng ta đã biết thì rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có, bao gồm:
+ Hành vi được quy định trong Bộ luật hình sự;
+ Trợ giúp cho tổ chức, cá nhân có liên quan đến tội phạm nhằm trốn tránh trách nhiệm pháp lý bằng việc hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có;
+ Chiếm hữu tài sản nếu tại thời điểm nhận tài sản đã biết rõ tài sản đó do phạm tội mà có, nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản.
Theo đó, tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định 116/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật phòng, chống rửa tiền có quy định về những trường hợp tổ chức tài chính phải áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng để phòng chống rửa tiền bao gồm:
+ Khi khách hàng lần đầu mở tài khoản, bao gồm tài khoản thanh toán, tài khoản tiết kiệm, tài khoản thẻ và các loại tài khoản khác;
+ Khi khách hàng lần đầu thiết lập mối quan hệ với tổ chức tài chính nhằm sử dụng sản phẩm, dịch vụ do tổ chức tài chính cung cấp;
+ Khi khách hàng thực hiện giao dịch không thường xuyên có giá trị lớn. Giao dịch không thường xuyên có giá trị lớn là giao dịch của khách hàng không có tài khoản hoặc có tài khoản thanh toán nhưng không giao dịch trong vòng 6 tháng trở lên với tổng giá trị từ 300.000.000 (ba trăm triệu) đồng trở lên trong một ngày;
+ Khi thực hiện chuyển tiền điện tử nhưng thiếu thông tin về tên, địa chỉ hoặc số tài khoản của người khởi tạo;
+ Khi nghi ngờ giao dịch hoặc các bên liên quan đến giao dịch có liên quan đến hoạt động rửa tiền;
+ Khi nghi ngờ về tính chính xác hoặc tính đầy đủ của các thông tin nhận biết khách hàng đã thu thập trước đó.
Trên đây là nội dung giải đáp về những trường hợp tổ chức tài chính phải áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng để phòng chống rửa tiền.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật