Phải chịu trách nhiệm khi đặt dải phân cách ngăn không cho xe ô tô đi vào làn đường xe máy gây tai nạn chết người?
Về dải phân cách thì tại Khoản 10 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008 có định nghĩa như sau:
Dải phân cách là bộ phận của đường để phân chia mặt đường thành hai chiều xe chạy riêng biệt hoặc để phân chia phần đường của xe cơ giới và xe thô sơ. Dải phân cách gồm loại cố định và loại di động.
Cụ thể hơn, tại Điều 85 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2016/BGTVT về báo hiệu đường bộ có quy định cụ thể về dải phân cách như sau:
Dải phân cách là bộ phận của đường mà xe không chạy trên đó được dùng để phân chia phần đường xe chạy thành hai chiều xe chạy riêng biệt hoặc để phân chia phần đường của xe cơ giới và xe thô sơ hoặc của nhiều loại xe khác nhau trên cùng một chiều giao thông.
=> Như vậy, theo quy định này thì có thể thấy việc đặt dải phân cách trên đường có hai mục đích chính là:
+ Phân chia phần đường xe chạy thành hai chiều xe chạy riêng biệt.
+ Phân chia phần đường của xe cơ giới và xe thô sơ hoặc của nhiều loại xe khác nhau trên cùng một chiều giao thông.
Bên cạnh đó, dải phân cách có hai loại là dải phân cách cố định và dải phân cách di động. Trong đó:
+ Dải phân cách cố định được hiểu đơn giản là dải phân cách có vị trí cố định trên phần đường xe chạy.
+ Dải phân cách di động được hiểu là các dải phân cách có thể di chuyển theo bề rộng trên mặt đường được tạo bởi các cột (cục) bê tông, nhựa composite bên trong có thể đổ cát hoặc nước cao từ 0,3 m - 0,8 m xếp liền nhau hoặc có các ống thép Ø40 - Ø50 xuyên qua tạo thành hệ thống lan can trên mặt đường.
Ngoài ra, việc đặt dải phân cách cố định hay di động trên đường cũng cần phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
+ Đối với dải phân cách cố định thì chỉ nên sử dụng khi đường có từ 4 làn xe trở lên để phân làn đường đi theo hai hướng riêng biệt.
+ Đối với dải phân cách di động thì chỉ dùng ở những nơi mặt đường chỉ đủ 2 hay 3 làn xe, cần chia tạm thời hai chiều hoặc hai làn xe riêng biệt.
==> Từ các quy định về dải phân cách nêu trên thì có thể thấy việc đặt dải phân cách trên làn đường của xe máy để ngăn không cho xe ô tô vào làn đường này là hoàn toàn sai, không đáp ứng các quy định về mục đích cũng như điều kiện để đặt dải phân cách. Chính vì vậy, việc đặt dải phân cách di động (hay cuân lươn) ở trên làn xe máy để ngăn xe ô tô đi vào làn đường này có thể xem là hành vi đặt chướng ngại vật trái phép trên đường và bị pháp luật về giao thông nghiêm cấm.
Về trách nhiệm thì nếu hành việc đặt dải phân cách trên làn đường xe máy để ngăn xe ô tô đi vào làn đường này mà gây tai nạn chết người thì cá nhân, cơ quan, tổ chức thực hiện hành vi này sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định tại Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
- Bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm hại bao gồm:
+ Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa và các chị phí liên quan;
+ Chi phí hợp lý cho việc mai táng;
+ Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;
+ Thiệt hại khác do luật quy định.
- Ngoài ra, người thực hiện hành vi này con phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này.
Lưu ý: Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần sẽ do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Cùng với đó, người thực người thực hiện hành vi này cũng có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự nếu cơ quan có thẩm quyền chứng minh được hành vi của họ là tội phạm bạn nhé.
Trên đây là nội dung giải đáp về việc chịu trách nhiệm khi đặt dải phân cách ngăn không cho xe ô tô đi vào làn đường xe máy gây tai nạn chết người.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật