Chồng cũ không cho phép thì có được đưa con ra nước ngoài sinh sống?
Tại Khoản 1 Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 có quy định: Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
Đồng thời, tại Điều 82 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 có quy định nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn:
- Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
- Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
- Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.
=> Như vậy, mặc dù là con chung sống cùng bạn, vợ chồng bạn đã ly hôn, nhưng chồng bạn vẫn có quyền thăm nom con mà không ai được cản trở. Và chỉ trong trường hợp người cha không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người mẹ trực tiếp nuôi con mới có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.
==> Do vậy, có thể nói rằng việc bạn đưa con sang nước ngoài để sống bị phản đối bởi người chồng là dễ hiểu vì gây cản trở quyền chăm nom con của người chồng. Theo đó, bạn cần có sự trao đổi và thoả thuận với người chồng đã ly hôn về những điều kiện tốt có thể dành cho trẻ khi đưa trẻ xuất cảnh sang sinh sống tại nước ngoài. Người chồng cũ của bạn được quyền yêu cầu Toà án dành quyền nuôi con cho mình nếu chứng minh được việc đưa trẻ ra nước ngoài không đảm bảo điều kiện chăm sóc, nuôi dạy trẻ.
Trên đây là nội dung tư vấn.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật