Những chính sách ưu đãi đối với hộ nghèo 2019
1. Hỗ trợ về nhà ở
Theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg thì hộ nghèo nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định sẽ được
Ngân sách trung ương hỗ trợ 06 triệu đồng/hộ. Đối với những hộ dân thuộc diện đối tượng được hỗ trợ nhà ở đang cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn quy định tại Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg thì ngân sách trung ương hỗ trợ 07 triệu đồng/hộ. Các địa phương có trách nhiệm hỗ trợ thêm ngoài phần ngân sách trung ương hỗ trợ và huy động cộng đồng giúp đỡ các hộ làm nhà ở.
2. Trợ giúp pháp lý
Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật.
Theo quy định Luật Trợ giúp pháp lý 2017 thì người nghèo thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý miễn phí.
3. Hỗ trợ về y tế
Theo Luật bảo hiểm y 2008 thì Người thuộc hộ gia đình nghèo sẽ được ngân sách nhà nước đóng BHYT.
Ngoài ra, theo Quyết định 14/2012/QĐ-TTg thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức, quản lý và sử dụng Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo theo quy định sau:
1. Hỗ trợ tiền ăn cho các đối tượng thuộc khoản 1 và 2 Điều 2 Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg khi điều trị nội trú tại các cơ sở y tế của Nhà nước từ tuyến huyện trở lên với mức tối thiểu 3% mức lương tối thiểu chung/người bệnh/ngày.
2. Hỗ trợ tiền đi lại từ nhà đến bệnh viện, từ bệnh viện về nhà và chuyển bệnh viện cho các đối tượng thuộc khoản 1 và 2 Điều 2 Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg khi điều trị nội trú tại các cơ sở y tế của Nhà nước từ tuyến huyện trở lên, các trường hợp cấp cứu, tử vong hoặc bệnh quá nặng và người nhà có nguyện vọng đưa về nhà nhưng không được bảo hiểm y tế hỗ trợ.
3. Hỗ trợ một phần chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế mà các đối tượng quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều 2 Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg phải đồng chi trả theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế và các văn bản hướng dẫn Luật đối với phần người bệnh phải đồng chi trả từ 100.000 đồng trở lên.
4. Hỗ trợ thanh toán một phần chi phí khám bệnh, chữa bệnh của các đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 2 Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg đối với phần người bệnh phải chi trả cho cơ sở y tế của Nhà nước từ 1 triệu đồng trở lên cho một đợt khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp không có bảo hiểm y tế; nếu có bảo hiểm y tế thì hỗ trợ như khoản 3 Điều 4 Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg.
5. Trường hợp người bệnh tự lựa chọn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (trái tuyến, vượt tuyến) hoặc khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu thì thực hiện việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định hiện hành.
Người nghèo là những người cần được Nhà nước quan tâm đặc biệt, Nhà nước luôn có những chin sách hỗ trợ để đảm bảo đời sống cũng như tạo điều kiện để người nghèo có thể phát triển vươn lên thoát nghèo. Ngoài ra, mỗi địa phương cũng còn nhiều chính sách khác để hộ trợ người nghèo vay vốn sản xuất kinh doanh.
Trân trọng!