Những đối tượng nào được trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ?
Theo quy định tại Điều 3 Thông tư 17/2018/TT-BCA quy định về trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành thì những đối tượng được trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ bao gồm:
- Đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ bao gồm:
+ Đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an;
+ Trại giam, trại tạm giam;
+ Học viện, trường Công an nhân dân; Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ Công an nhân dân làm công tác đào tạo, huấn luyện;
+ Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây viết gọn là Công an cấp tỉnh);
+ Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;
+ Công an xã, phường, thị trấn.
- Đối tượng được trang bị vũ khí thể thao, bao gồm:
+ Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể thao Công an nhân dân;
+ Học viện, trường Công an nhân dân;
+ Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ Công an nhân dân có huấn luyện thi đấu thể thao.
Lưu ý: Các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh sẽ được trang bị vật liệu nổ quân dụng.
Để rõ hơn về vấn đề này thì Ban biên tập cũng cung cấp thêm cho bạn thông tin về vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ như sau:
- Vũ khí là thiết bị, phương tiện hoặc tổ hợp những phương tiện được chế tạo, sản xuất có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất, bao gồm: vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự.
- Vật liệu nổ quân dụng là vật liệu nổ sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh.
- Công cụ hỗ trợ là phương tiện, động vật nghiệp vụ được sử dụng để thi hành công vụ, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nhằm hạn chế, ngăn chặn người có hành vi vi phạm pháp luật chống trả, trốn chạy; bảo vệ người thi hành công vụ, người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ hoặc báo hiệu khẩn cấp, bao gồm:
+ Súng bắn điện, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, từ trường, laze, lưới; súng phóng dây mồi; súng bắn đạn nhựa, nổ, cao su, hơi cay, pháo hiệu, hiệu lệnh, đánh dấu và đạn sử dụng cho các loại súng này;
+ Phương tiện xịt hơi cay, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, chất gây ngứa;
+ Lựu đạn khói, lựu đạn cay, quả nổ;
+ Dùi cui điện, dùi cui cao su, dùi cui kim loại; khóa số tám, bàn chông, dây đinh gai; áo giáp; găng tay điện, găng tay bắt dao; lá chắn, mũ chống đạn; thiết bị áp chế bằng âm thanh;
+ Động vật nghiệp vụ là động vật được huấn luyện để sử dụng cho yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội;
+ Công cụ hỗ trợ có tính năng, tác dụng tương tự là phương tiện được chế tạo, sản xuất không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, có tính năng, tác dụng tương tự như công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật.
Trên đây là nội dung giải đáp về những đối tượng được trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật