Đơn vị nào chi trả trợ cấp thôi việc cho viên chức qua nhiều nơi công tác?
1/ Theo quy định tại Khoản 1 Điều 38 Nghị định 29/2012/NĐ-CP thì viên chức được giải quyết thôi việc trong các trường hợp sau:
a) Viên chức có đơn tự nguyện xin thôi việc được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản;
b) Viên chức đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc theo quy định tại Khoản 4 và Khoản 5 Điều 29 Luật viên chức;
c) Đơn vị sự nghiệp công lập đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức khi có một trong các trường hợp quy định tại Điểm c, Điểm d và Điểm đ Khoản 1 Điều 29 Luật viên chức.
(1. Đơn vị sự nghiệp công lập được đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức trong các trường hợp sau:
...
c) Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn bị ốm đau đã điều trị 12 tháng liên tục, viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc xác định thời hạn bị ốm đau đã điều trị 06 tháng liên tục mà khả năng làm việc chưa hồi phục. Khi sức khỏe của viên chức bình phục thì được xem xét để ký kết tiếp hợp đồng làm việc;
d) Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của Chính phủ làm cho đơn vị sự nghiệp công lập buộc phải thu hẹp quy mô, khiến vị trí việc làm mà viên chức đang đảm nhận không còn;
đ) Khi đơn vị sự nghiệp công lập chấm dứt hoạt động theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.)
Và theo hướng dẫn tại Điều 14, Điều 15 Thông tư 15/2012/TT-BNV thì khi viên chức chuyển công tác đến cơ quan, đơn vị khác thì phải chấm dứt hợp đồng làm việc với đơn vị sự nghiệp công lập đang làm việc. Việc chấm dứt hợp đồng làm việc phải được thể hiện bằng văn bản có xác nhận của viên chức và người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc cơ quan có thẩm quyền ký kết hợp đồng làm việc. Văn bản chấm dứt hợp đồng làm việc được lập thành hai bản, mỗi bên giữ một bản.
Khi viên chức chuyển đến đơn vị sự nghiệp công lập mới, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng viên chức phải ký kết hợp đồng làm việc với viên chức và thực hiện chế độ tiền lương phù hợp trên cơ sở căn cứ vào năng lực, trình độ đào tạo, quá trình công tác, diễn biến tiền lương và thời gian đóng BHXH của viên chức.
2/ Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 15 Điều 2 Nghị định 161/2018/NĐ-CP thì viên chức sẽ không được giải quyết chế độ thôi việc nếu như được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền đồng ý chuyển đến làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị khác trong hệ thống chính trị.
Căn cứ theo quy định trên và đối chiếu với trường hợp của Anh/Chị thì nếu Anh/Chị đã nộp đơn xin thôi việc và được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản (ở đây là đơn vị B). Như vậy, Anh/Chị thuộc trường hợp được giải quyết thôi việc theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 38 Nghị định 29/2012/NĐ-CP nêu trên.
Tức là thời điểm Anh/Chị nghỉ việc, cơ quan phải trả trợ cấp thôi việc cho Anh/Chị là cơ quan mà Anh/Chị đã ký hợp đồng làm việc (có thể là đơn vị B vì sau này Anh/Chị được điều động sang từ đơn vị A hoặc cơ quan chủ quản của cả hai đơn vị này; Anh/Chị cần xem lại hợp đồng của Anh/Chị ký với đơn vị nào thì đơn vị đó phải chi trả).
Còn nếu trường hợp đơn vị B chấm dứt hoạt động theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền (Điểm đ Khoản 1 Điều 29 Luật viên chức) và đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với Anh/Chị thì trường hợp này Anh/Chị cũng được giải quyết thôi việc. Và cơ quan chi trả trợ cấp thôi việc khi Anh/Chị nghỉ việc cũng là cơ quan mà Anh/Chị đã ký hợp đồng làm việc.
Trường hợp Anh/Chị được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền đồng ý chuyển đến làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị khác trong hệ thống chính trị thì không giải quyết chế độ thôi việc. Tức là đơn vị B và C phải trong hệ thống chính trị và Anh/Chị được đơn vị B thuyên chuyển đến đơn vị C thì Anh/Chị mới không được giải quyết chế độ thôi việc. Mặt khác thì đơn vị B hoặc cơ quan chủ quản của đơn vị B phải chi trả trợ cấp thôi việc cho Anh/Chị.
Ban biên tập thông tin đến Anh/Chị!
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật