Từ 15/2/2023, có thể sử dụng bản chính hoặc bản sao phiếu khám bệnh trong hồ sơ khám giám định lần đầu để thực hiện chế độ tử tuất hay không?
Trong hồ sơ khám giám định lần đầu để thực hiện chế độ tử tuất có thể sử dụng bản chính hoặc bản sao phiếu khám bệnh không?
Theo quy định hiện hành tại điểm b khoản 4 Điều 5 Thông tư 56/2017/TT-BYT quy định về một trong các loại giấy tờ cần có trong hồ sơ khám giám định lần đầu để thực hiện chế độ tử tuất là:
Hồ sơ khám giám định lần đầu
...
4. Hồ sơ khám giám định để thực hiện chế độ tử tuất:
b) Bản chính hoặc bản sao hợp lệ của một hoặc các giấy tờ khám, điều trị bệnh, tật sau đây: Tóm tắt hồ sơ bệnh án, Giấy xác nhận khuyết tật, Giấy ra viện, Sổ khám bệnh, Biên bản giám định bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động đối với người đã được khám giám định bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động;
Vậy, theo quy định hiện nay, hồ sơ khám giám định để thực hiện chế độ tử tuất yêu cầu bản sao hoặc bản chính của một hoặc các loại giấy tờ như bản tóm tắt hồ sơ bệnh án, Giấy xác nhận khuyết tật, Giấy ra viện, Sổ khám bệnh, Biên bản giám định bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động đối với người đã được khám giám định bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động.
Tuy nhiên, với quy định mới nhất tại khoản 4 Điều 1 Thông tư 18/2022/TT-BYT (có hiệu lực ngày 15 tháng 02 năm 2023) sửa đổi điểm b khoản 4 Điều 5 Thông tư 56/2017/TT-BYT như sau:
Hồ sơ khám giám định lần đầu
...
4. Hồ sơ khám giám định để thực hiện chế độ tử tuất:
b) Bản chính hoặc bản sao hợp lệ của một trong các giấy tờ sau đây:
- Tóm tắt hồ sơ bệnh án;
- Giấy xác nhận khuyết tật;
- Giấy ra viện;
- Sổ khám bệnh;
- Phiếu khám bệnh;
- Phiếu kết quả cận lâm sàng;
- Đơn thuốc của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
- Hồ sơ bệnh nghề nghiệp;
- Biên bản giám định y khoa lần gần nhất đối với người đã được khám giám định.
Theo quy định mới nhất, từ ngày 15 tháng 02 năm 2023, trong hồ sơ khám giám định lần đầu để thực hiện chế độ tử tuất có thể sử dụng thêm bản sao hoặc bản chính của Phiếu khám bệnh như các loại giấy tờ khác trong hồ sơ khám giám định để thực hiện chế độ tử tuất theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Thông tư 18/2022/TT-BYT.
Từ 15/2/2023, có thể sử dụng bản chính hoặc bản sao phiếu khám bệnh trong hồ sơ khám giám định lần đầu để thực hiện chế độ tử tuất hay không? (Hình từ Internet)
Theo quy định mới nhất, hồ sơ khám giám định lần đầu để thực hiện chế độ tử tuất có những thành phần nào?
Theo quy định tại khoản 4 Điều 5 Thông tư 56/2017/TT-BYT về thành phần của hồ sơ khám giám định lần đầu để thực hiện chế độ tử tuất như sau:
Hồ sơ khám giám định lần đầu
...
4. Hồ sơ khám giám định để thực hiện chế độ tử tuất:
a) Giấy đề nghị khám giám định theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 kèm theo Thông tư này;
b) Bản chính hoặc bản sao hợp lệ của một trong các giấy tờ sau đây:
- Tóm tắt hồ sơ bệnh án;
- Giấy xác nhận khuyết tật;
- Giấy ra viện;
- Sổ khám bệnh;
- Phiếu khám bệnh;
- Phiếu kết quả cận lâm sàng;
- Đơn thuốc của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
- Hồ sơ bệnh nghề nghiệp;
- Biên bản giám định y khoa lần gần nhất đối với người đã được khám giám định.
c) Một trong các giấy tờ quy định lại điểm d khoản 1 Điều này.
Theo quy định mới nhất, từ ngày 15 tháng 02 năm 2023, hồ sơ khám giám định lần đầu để thực hiện chế độ tử tuất gồm có các thành phần:
-Giấy đề nghị khám giám định
- Bản chính hoặc bản sao hợp lệ của 1 hoặc các loại giấy tờ sau:
+ Tóm tắt hồ sơ bệnh án;
+ Giấy xác nhận khuyết tật;
+ Giấy ra viện;
+ Sổ khám bệnh;
+ Phiếu khám bệnh;
+ Phiếu kết quả cận lâm sàng;
+ Đơn thuốc của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
+ Hồ sơ bệnh nghề nghiệp;
+ Biên bản giám định y khoa lần gần nhất đối với người đã được khám giám định
- Một trong các giấy tờ có ảnh như: Chứng minh nhân dân; Căn cước công dân; Hộ chiếu còn hiệu lực. Trường hợp không có các giấy tờ nêu trên thì phải có Giấy xác nhận của Công an cấp xã có dán ảnh, đóng giáp lai trên ảnh và được cấp trong thời gian không quá 03 tháng tính đến thời điểm đề nghị khám giám định.
Ai là người được đề nghị khám giám định để thực hiện chế độ tử tuất?
Khoản 3 Điều 2 Thông tư 56/2017/TT-BYT quy định về đối tượng được đề nghị khám giám định mức suy giảm khả năng lao động để hưởng chế độ tử tuất như sau:
Đối tượng áp dụng
...
3. Người đề nghị khám giám định mức suy giảm khả năng lao động để hưởng chế độ tử tuất là thân nhân của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội (sau đây gọi tắt là thân nhân người lao động).
Vậy, thân nhân của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội (gọi tắt là thân nhân người lao động) là người được quyền đề nghị khám giám định mức suy giảm khả năng lao động để hưởng chế độ tử tuất.
Trân trọng!
Trần Thúy Nhàn