Khoản chi phúc lợi cho nhân viên có được khấu trừ thuế?
Theo quy định tại Thông tư 96/2015/TT-BTC thì doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi (trừ các khoản chi không được trừ theo quy định của pháp luật) khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
- Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
- Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế giá trị gia tăng) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng.
(Trên đây là nội dung tóm tắt, xem nội dung chi tiết tại Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC đã được sửa đổi bởi Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC)
Trong đó, các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp được quy định cụ thể tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC đã được sửa đổi bởi Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC.
Mặt khác, theo quy định tại Khoản 4 Điều 3 Thông tư 25/2018/TT-BTC thì các khoản chi không tương ứng với doanh thu tính thuế thì không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, trừ các khoản chi sau:
...
- Khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động như: chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát, chi hỗ trợ Điều trị; chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo; chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, tai nạn, ốm đau; chi khen thưởng con của người lao động có thành tích tốt trong học tập; chi hỗ trợ chi phí đi lại ngày lễ, tết cho người lao động; chi bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tự nguyện khác cho người lao động (trừ Khoản chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động, bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho người lao động hướng dẫn tại điểm 2.11 Điều này) và những Khoản chi có tính chất phúc lợi khác. Tổng số chi có tính chất phúc lợi nêu trên không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp.
Như vậy: Căn cứ các quy định được trích dẫn trên đây thì trường hợp doanh nghiệp có phát sinh các khoản chi phúc lợn trực tiếp cho người lao động nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC đã được sửa đổi bởi Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC nêu trên, có đầy đủ chứng từ thanh toán theo quy định, mức chi theo đúng quy chế, quy định của doanh nghiệp và tổng số chi phúc lợi trực tiếp cho người lao động trong doanh nghiệp không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp thì khoản chi phúc lợi đó sẽ được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp trong kỳ tính thuế.
Công ty căn cứ quy định trên đây để thực hiện.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật