Nhờ người khác nhận BHXH một lần được không?
Theo quy định tại Luật bảo hiểm xã hội 2014 thì người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định.
Trong đó, bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia. Bảo hiểm xã hội bắt buộc có các chế độ ốm đau; thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí; tử tuất.
Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc có các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Trong đó, theo quy định tại Điều 18 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì người lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nếu không tự mình nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội được có thể ủy quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.
Mặt khác, Theo quy định tại Quyết định 636/QĐ-BHXH năm 2016 thì người lao động bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người chờ đủ tuổi để hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng, người đề nghị hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp do thương tật, bệnh tật tái phát và thân nhân người lao động nêu trên có thể trực tiếp hoặc gián tiếp nộp hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hội. Khi nhận kết quả giải quyết thì phải trực tiếp nhận, trường hợp không đến nhận trực tiếp thì phải có giấy ủy quyền theo mẫu số 13-HSB hoặc hợp đồng ủy quyền theo quy định của pháp luật cho người đại diện hợp pháp của mình nhận kết quả giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội.
Như vậy: Căn cứ các quy định được trích dẫn trên đây thì người lao động có thể tự mình trực tiếp hoặc ủy quyền cho người khác nộp hồ sơ nhận đề nghị hưởng chế độ cuãng như nhận kết quả giải quyết tại cơ quan bảo hiểm xã hội.
Lưu ý, việc ủy quyền phải có giấy ủy quyền (theo mẫu số 13-HSB) hoặc hợp đồng ủy quyền có công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật.
Do đó: Đối với trường hợp trước đây bạn có đi làm công ty và có tham gia bảo hiểm xã hội được hơn 3 năm, sau đó bạn nghỉ việc và làm riêng đến nay đã hơn 01 năm thì bạn có thể nộp hồ sơ đề nghị nhận bảo hiểm xã hội một lần đến cơ quan bảo hiểm xã hội nơi cư trú (nơi thường trú hoặc nơi tạm trú) để được giải quyết theo quy định của pháp luật.
Trường hợp bạn đang ở xã không thể đi làm thủ tục được thì bạn có thể ủy quyền cho vợ bạn đi nộp hồ sơ và nhận kết quả giải quyết thay cho bạn thông qua giấy ủy quyền có công chứng, chức thực.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật